Multimedia Đọc Báo in

Nở rộ cửa hàng chuyên kinh doanh hàng ngoại nhập

09:55, 27/11/2017

Chừng vài năm trước, không dễ tìm ra cửa hàng chuyên kinh doanh hàng ngoại  nhập tại TP. Buôn Ma Thuột, nhưng hiện nay loại cửa hàng này đã trở nên phổ biến, với các mặt hàng của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Nếu như trước đây, hàng ngoại chủ yếu được bán thông qua các công ty chuyên xuất nhập khẩu hoặc các siêu thị thì nay đã có hàng loạt các đại lý, cửa hàng, shop chuyên kinh doanh các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu trên các tuyến đường Nơ Trang Long, Điện Biên Phủ, Bà Triệu, Phạm Ngũ Lão, Trần Phú... (TP. Buôn Ma Thuột). Hàng  được bày bán khá phong phú, tập trung ở các nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, đồng hồ và mỹ phẩm. Có thể kể đến như showroom chuyên bán các sản phẩm sâm Hàn Quốc trên đường Phạm Ngũ Lão; cửa hàng hàng Thái trên đường Bà Triệu thiên về các sản phẩm tiêu dùng nhập từ Thái Lan; shop mỹ phẩm Thảo Nguyên trên đường Nơ Trang Long thì chuyên kinh doanh các loại mỹ phẩm nhập từ Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc; shop OHIU trên đường Trần Phú chuyên kinh doanh mỹ phẩm của nhãn hàng OHiu Hàn Quốc....

Chị Nguyễn Thanh Hương, chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm nhập ngoại trên đường Nơ Trang Long cho hay, ban đầu chị chỉ bán các loại mỹ phẩm làm đẹp, nhưng khi có được lượng khách quen cố định, chị mở rộng ra bán thêm các mặt hàng vật dụng gia đình, nước hoa... có xuất xứ Nhật Bản, Đức được nhập theo đường chính ngạch, có hóa đơn chứng từ rõ ràng. Những sản phẩm này có giá khá cao, từ vài trăm đến trên vài triệu đồng/ món.

Hàng ngoại nhập “hút” khách bởi chất lượng, song, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua phải hàng giả, nhái.  (Trong ảnh: Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra nguồn gốc mỹ phẩm nhập ngoại tại một cửa hàng ở TP. Buôn Ma Thuột).
Hàng ngoại nhập “hút” khách bởi chất lượng, song, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua phải hàng giả, nhái. (Trong ảnh: Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra nguồn gốc mỹ phẩm nhập ngoại tại một cửa hàng ở TP. Buôn Ma Thuột).

Tại cửa hàng chuyên hàng Thái trên đường Bà Triệu, các sản phẩm bày bán ở đây khá đa dạng, từ đồ gia dụng đến thực phẩm. Theo chủ của hàng, bột giặt, dầu gội, bánh, kẹo... là những mặt hàng “hút” khách hơn cả, sức tiêu thụ khá mạnh.

Theo tìm hiểu được biết, trừ hàng Thái có mức giá gần bằng và cạnh tranh với hàng trong nước thì hầu hết các sản phẩm của Hàn Quốc, Nhật Bản... đều nằm ở mức giá khá cao, dù vậy, vẫn có được lượng khách hàng nhất định. Không ít khách hàng chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để mua được sản phẩm có chất lượng khi biết chính xác về nguồn gốc, xuất xứ của món hàng ngoại mình muốn mua.

Sở dĩ có được lượng khách hàng khá đông như vậy, theo nhiều chủ của hàng là do chất lượng hàng hóa mang lại, ngoài ra, người bán cũng biết cách cung cấp thông tin, tư vấn để khách hàng yên tâm về nguồn gốc sản phẩm. Theo chị Hương, để tạo niềm tin với khách hàng, ngoài việc công khai minh bạch hóa đơn chứng từ, thông tin sản phẩm, chị còn sẵn sàng tư vấn khách hàng lên mạng, vào trực tiếp trang Web của công ty để đối chứng, tìm hiểu thêm về món hàng mà khách hàng định mua.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng ngoại nhập đẩy hàng Việt đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần. Nhiều người cho rằng, hàng Việt có ưu thế về giá cả nhưng vẫn thiếu những sản phẩm chất lượng, nhất là ở dòng cao cấp và còn hạn chế ở bao bì, mẫu mã. 

Dù không tiết lộ về doanh thu, nhưng nhiều chủ cửa hàng cho biết, việc kinh doanh khá thuận lợi và họ vẫn có kế hoạch nhập hàng mỗi ngày một tăng. Điều này cho thấy, xu hướng kinh doanh chuyên hàng nhập ngoại đang còn hứa hẹn nhiều tiềm năng. Chị Nguyễn Thị Hải Ký, chủ shop mỹ phẩm nhập ngoại trên đường Điện Biên Phủ cho hay, ban đầu chị chỉ bán vài mặt hàng để thăm dò thị trường, vì sợ rằng hàng nhập ngoại giá cao khó có người mua, nhưng sau một thời gian chị đã có được một lượng khách hàng quen  khá đông.

Việc các cửa hàng chuyên kinh doanh hàng ngoại rộ lên trong thời gian gần đây chứng tỏ người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm; những mặt hàng có thương hiệu, chất lượng bảo đảm, an toàn hiện vẫn đang thu hút người mua.

Có thể nói, sự xuất hiện của những cửa hàng trên đã đưa hàng hóa nhiều quốc gia đến gần hơn với khách hàng Việt. Tuy nhiên, khách hàng sẽ khó xác định được nguồn gốc, xuất xứ; phân biệt hàng thật và hàng giả, nhái. Theo ông Nguyễn Đào Chí, có nhiều sản phẩm được bày bán đội lốt là hàng xách tay nhưng thực chất là hàng lậu, giả, nhái, nhất là mỹ phẩm ngoại. Không ít sản phẩm được gắn mác “xịn” lại là hàng nhái, những sản phẩm này giống hệt từ mẫu mã, chất lượng các nhãn hàng cao cấp nhưng giá rẻ chỉ bằng 1/10 hàng chính hãng. Để tránh tình trạng bỏ tiền thật để mua phải hàng giả, nhái, khách hàng cũng có thể truy nguyên nguồn gốc sản phẩm bằng điện thoại thông qua quét mã QR tìm kiếm thông tin về  đơn vị sản xuất, giá bán, ngày sản xuất, hạn sử dụng… để được yên tâm hơn khi mua hàng. Tuy nhiên việc làm này cũng không phải là đơn giản.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.