Multimedia Đọc Báo in

Sức dân ở thôn 3

09:16, 17/11/2017

So với các đơn vị khác thì thu nhập của người dân thôn 3 (xã Phú Xuân) không bằng, nhưng hạ tầng nông thôn thì không hề thua kém.

Cụ thể, các tuyến đường rộng rãi được đổ nhựa và bê tông kiên cố, hai bên trồng nhiều loại hoa, nhiều nhà cửa khang trang, nhà văn hóa thôn mới được xây dựng bề thế. Trưởng thôn Nguyễn Văn Gia cho biết, thôn 3 có 162 hộ dân, đa phần người dân từ nhiều địa phương khác đến đây làm kinh tế mới, nhưng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong các hoạt động, đặc biệt là thực hiện chương trình nông thôn mới. Đáng kể nhất là công trình nhà văn hóa thôn mới được bà con xây dựng với tổng kinh phí 260 triệu đồng. Để thực hiện, cán bộ thôn đã họp bàn, thống nhất với toàn bộ người dân, mỗi hộ đóng góp 1,8 triệu đồng, các hộ chính sách và có hoàn cảnh khó khăn được miễn. Ngoài đóng góp tiền, bà con cũng tự nguyện bỏ công sức thi công và giám sát công trình một cách minh bạch, dân chủ. Từ ngày có nhà văn hóa mới, không những tạo thuận lợi cho các buổi sinh hoạt cộng đồng mà còn giúp người dân có không gian tập thể dục, thể thao.

Một tuyến đường giao thông nông thôn tại thôn 3, xã Phú Xuân được xây dựng bằng sức dân.
Một tuyến đường giao thông nông thôn tại thôn 3, xã Phú Xuân được xây dựng bằng sức dân.

Bên cạnh làm nhà văn hóa, các tuyến giao thông ở thôn 3 cũng được mở rộng, nâng cấp bằng sức dân. Cụ thể, hầu hết đường thôn được mở rộng 8 mét, trong đó, nhiều hộ dân không ngần ngại hiến đất, phá bỏ cây trồng, cổng, tường rào. Đặc biệt, năm 2016, người dân đã đóng góp tiền, ngày công để bê tông hóa 600 mét đường rộng 3 mét, tổng kinh phí 450 triệu đồng. Trên đoạn đường này có 30 hộ đã hiến hàng trăm mét đất mặt đường có giá trị cao và tự nguyện chặt bỏ nhiều diện tích tiêu, bơ, cà phê… đang thời kỳ kinh doanh, điển hình là các hộ Hoàng Đình Chiến, Nguyễn Văn Nội, Phạm Thị Hương…

Cùng với nguồn lực sức dân, các tổ chức, đoàn thể trong thôn cũng đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào thi đua chung tay xây dựng nông thôn mới như: phong trào “5 không 3 sạch” của Chi hội phụ nữ thôn, “Hũ gạo tình thương” và “Nuôi heo đất” của Mặt trận, Câu lạc bộ “xóa đói giảm nghèo” của hội cựu chiến binh… Bí thư chi bộ thôn 3 Nguyễn Văn Sơn cho biết, với phương châm “tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau”, cán bộ, đoàn thể và nhân dân trong thôn đã chung sức, đồng lòng, huy động chủ yếu nguồn lực trong dân để từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ đó, diện mạo kinh tế, đời sống của người dân trong thôn đã có nhiều khởi sắc, cả thôn chỉ còn 2 hộ nghèo; các hoạt động văn hóa, thể thao luôn diễn ra sôi nổi…

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.