Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo nhờ mô hình trồng cây ăn quả trên đất bạc màu

19:25, 15/11/2017

Năm 1997, ông Huỳnh Hữu Vân (thường gọi là Ba Phi) đưa gia đình từ Vĩnh Long đến thôn Hòa Thanh, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) lập nghiệp.

Đầu năm 2000, vợ chồng ông Ba Phi tích cóp mua được mảnh đất tại thôn Hòa Thanh nhưng đất cát bạc màu, không thể trồng trọt được. Để trang trải cuộc sống, vợ chồng ông phải làm đủ thứ nghề từ làm thuê làm mướn đến đánh bắt cá trên sông Sêrêpốk, thậm chí ông còn định bỏ đi nơi khác sinh sống.

Vườn cây trĩu quả của gia đình ông Huỳnh Hữu Vân.
Vườn cây trĩu quả của gia đình ông Huỳnh Hữu Vân.
 

“Hòa Thanh là một thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã Ea Nuôl, với 76 hộ dân sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 82%. Đất Hòa Thanh xấu, bạc màu, không canh tác được gì ngoài các cây trồng ngắn ngày. Mô hình trồng loại cây ăn trái có múi như cam sành và quýt đường đã mở ra hướng đi mới cho nông dân nơi đây” 

 
 
Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl

Năm 2012, trong dịp về lại quê Vĩnh Long, thấy những vườn cam, quýt sum suê của bà con nơi quê nhà, ông Ba Phi nảy ý định mang giống cây ăn trái  vào trồng tại nơi mình đang sống xem sao. Nghĩ là làm, ông Ba Phi bắt tay vào cải tạo vườn tạp bằng việc xử lý đất, đào giếng, mua giống cam sành và quýt đường từ miền Tây về trồng thử nghiệm. Khó khăn nhất là nguồn nước khan hiếm, ông phải kéo ống bơm nước từ dưới suối lên; thường xuyên theo dõi lượng nước để kịp thời bổ sung cho cây trồng.

Theo ông Ba Phi, để loại cây ăn trái có múi như cam, quýt… phát triển tốt và sai trái quanh năm, người trồng phải am hiểu kỹ thuật chăm sóc như vun gốc, tỉa cành, cung cấp lượng phân bón cũng như lượng nước thích hợp. Nhờ chăm sóc vườn cây đúng cách nên vườn cam, quýt của ông ra trái quanh năm. Hiện tại, giá bán mỗi ký cam, quýt tại vườn dao động từ  20.000 -25.000 đồng, vào mùa nắng, giá cam tăng lên 25.000-35.000 đồng/kg. Vườn cam, quýt với diện tích gần 1 ha hiện mang lại cho gia đình ông Ba Phi nguồn lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm.

Đầu năm 2017, gia đình ông Ba Phi chính thức thoát nghèo bền vững, được xem là một điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Không chỉ dừng lại ở cây cam, quýt, hiện ông Ba Phi còn trồng thử nghiệm hơn 100 cây nhãn Thái và đã bước đầu cho thấy kết quả khả quan. Sắp tới ông dự định bán thêm cây giống và hỗ trợ bà con trong thôn có nhu cầu chuyển đổi cây trồng về kỹ thuật để cùng vươn lên thoát nghèo.

               Djuang Niê – Siu Kết


Ý kiến bạn đọc