Multimedia Đọc Báo in

Bát nháo thị trường mỹ phẩm

08:54, 22/12/2017

Chỉ hơn 1 tháng, Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực 389 tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra và phát hiện hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… được bày bán công khai trên thị trường.

Cứ kiểm tra là phát hiện vi phạm

Ông Nguyễn Đào Chí, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, hành vi vi phạm liên quan đến việc kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, không công bố mỹ phẩm... chủ yếu tập trung ở các điểm phân phối sỉ. Hầu như kiểm tra cửa hàng nào cũng phát hiện vi phạm.

Cụ thể, từ ngày 15-10 đến 24-11, qua  kiểm tra 15 cơ sở, Đoàn phát hiện 12 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 145 triệu đồng, tịch thu gần 2.000 sản phẩm mỹ phẩm lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Điển hình như ngày 25-10, qua kiểm tra tại cửa hàng Sky shop ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc), Đoàn đã phát hiện cửa hàng bày bán nhiều mặt hàng mỹ phẩm nhập lậu (trị giá trên 76 triệu đồng).

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn còn phát hiện cửa hàng này kinh doanh ở địa điểm mà không thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Với 2 hành vi trên, Đoàn đã tiến hành lập biên bản, xử phạt  hành chính 37,5 triệu đồng. Tương tự, qua kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh Linh’s House (TP. Buôn Ma Thuột), Đoàn phát hiện nhiều loại son môi, kem dưỡng da… (trị giá trên 43 triệu đồng) nhập lậu được bày bán công khai. Đoàn đã xử phạt hành chính 15 triệu đồng.

Kiểm tra hàng  mỹ phẩm  tại một hộ kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn  Ma Thuột.
Kiểm tra hàng mỹ phẩm tại một hộ kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Qua kiểm tra cũng cho thấy, hàng mỹ phẩm không có hóa đơn được bày bán phổ biến dưới hình thức là hàng xách tay có giá khá cao. Trong quá trình kiểm tra, Đoàn tập trung kiểm tra về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố sản phẩm, hồ sơ thông tin, nhãn, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm… tại các cửa hàng kinh doanh sỉ, khu vực chợ; khi có dấu hiệu sản phẩm giả Đoàn sẽ lấy mẫu để kiểm tra chất lượng. Ngoài ra, Đoàn cũng chú trọng tuyên truyền nhắc nhở các hộ cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh lĩnh vực này.

Thận trọng khi mua mỹ phẩm

Theo tìm hiểu, trên thị trường tỉnh hiện nay, chất lượng các loại mỹ phẩm gần như đang bị thả nổi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người, trong khi nhiều người tiêu dùng (NTD) lại khá dễ dãi trong việc chọn mua.

Tại chợ thị xã Buôn Hồ và khu vực lân cận bày bán đủ loại mỹ phẩm, từ hàng nhập khẩu, xách tay đến hàng trong nước, ở các dòng tắm trắng, trị nám, dưỡng da, trị mụn, mờ vết thâm... được người bán quảng cáo “trắng nhanh, mịn da, hiệu quả thấy rõ và không lo bị dị ứng” với giá rất rẻ; một hộp kem dưỡng da Mỹ Linh chỉ 10.000 đồng (lọ 5g). Theo lời người bán, sản phẩm này chủ yếu phục vụ giới bình dân, bán rất chạy, mỗi ngày vài chục hộp. Tại nhiều cửa hàng chuyên mỹ phẩm sỉ ở TP. Buôn Ma Thuột, nhiều loại mỹ phẩm được xếp thành đống, chất đầy thùng hoặc đựng trong rổ, khách tha hồ lựa chọn. Đáng chú ý, phần nhiều trong số đó không có nhãn mác hay bất kỳ thông tin gì về sản phẩm. Chỉ tính riêng son môi thì có đến hơn 50 dòng, được bán theo từng thỏi riêng biệt mà không hề có vỏ hộp, nhãn mác (!)

Được biết, phần lớn mỹ phẩm trên thị trường không có nhãn mác, không được cơ quan chức năng kiểm định, đăng ký lưu hành và công bố mỹ phẩm nhưng vẫn bán chạy vì giá khá rẻ, lại được quảng cáo là hiệu quả cao, sử dụng nguyên liệu tự nhiên... nhằm đánh vào tâm lý NTD thích sản phẩm “an toàn”.

Theo các chuyên gia, nhiều sản phẩm mỹ phẩm trên thị trường có chứa chất salicylic acid, mineral oil (dầu khoáng), paraben… nhưng lại không nêu cụ thể hàm lượng. Trong đó, salicylic acid là chất có tác dụng làm bong tróc lớp sừng ở da và có tính sát khuẩn, nếu như ở nồng độ cao có thể gây ăn mòn và hoại tử da; dầu khoáng có nhiều trong các loại lotion, kem dưỡng, kem trang điểm… làm mềm da, se lỗ chân lông nhưng có thể gây ung thư nếu dùng liều cao. Còn với paraben chỉ được sử dụng liều lượng rất nhỏ (thường là từ 0,01 – 0,3%) đóng vai trò là chất bảo quản dùng nhiều trong lĩnh vực mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm nhưng nếu dùng liều vượt ngưỡng sẽ gây kích ứng và dị ứng da.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc