Dừng lập quy hoạch cây mắc ca, chờ đánh giá hiệu quả
UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT dừng lập quy hoạch phát triển cây mắc ca Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng phát triển đến 2030.
Xuất phát từ việc ngày 17-10-2017, Sở NN-PTNT gửi văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư “Thẩm định đề cương kỹ thuật và dự toán kinh phí quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030”, nhưng theo phân tích của Sở Kế hoạch và Đầu tư, do Bộ NN-PTNT đã có “Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030” (Quy hoạch 1134) nên việc địa phương có thêm quy hoạch riêng là không cần thiết.
Người dân xã Ea Puk (huyện Krông Năng) trồng thành công cây mắc ca. |
Cùng với đó, hiện đã là cuối năm 2017 nên giai đoạn lập quy hoạch đến năm 2020 chỉ còn 3 năm là hết giai đoạn thực hiện. Trong khi đó việc lập quy hoạch phải mất 1-2 năm mới hoàn thành nên thời gian thực hiện còn lại không đủ điều kiện để cây mắc ca phát triển; việc tiến hành đánh giá hiệu quả cây mắc ca cho phát triển giai đoạn sau sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, sau năm 2020, Bộ NN-PTNT đánh giá tính hiệu quả của Quy hoạch 1134 để cùng các địa phương bàn bạc có tiếp tục phát triển loại cây này hay không.
Theo Quy hoạch 1134, đến năm 2020 toàn vùng Tây Nguyên có 550 ha mắc ca trồng tập trung và 7.590 ha trồng xen. Trong đó, tại Đắk Lắk chỉ trồng tập trung 60 ha tại huyện Ea Kar và 920 ha trồng xen tại các huyện Krông Năng, Ea Kar, Lắk, M’Đrắk, Ea H’leo. Ông Nguyễn Đức Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT) cho biết, đến nay diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh có khoảng 766 ha, trong đó 165 ha trồng thuần, 601 ha trồng xen. Hiện chưa đánh giá tính hiệu quả của diện tích này, nhưng theo ông Việt, việc quy hoạch là nhằm tăng tính pháp lý trong việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Một cơ sở nhân giống cây mắc ca tại huyện Krông Năng. |
Rõ ràng, mặc dù tổng diện tích trồng cây mắc ca của tỉnh vẫn đang nằm trong giới hạn Quy hoạch 1134, nhưng việc UBND tỉnh yêu cầu dừng lập quy hoạch loại cây này vào thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Bởi nếu đồng ý thực hiện quy hoạch riêng của địa phương (tăng tính pháp lý của việc phát triển cây mắc ca), vô hình trung tỉnh đã khẳng định tính hiệu quả của loại cây này.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà, một trong những lý do quan trọng của việc đề nghị tạm dừng quy hoạch cây mắc ca trên địa bàn tỉnh là do chưa thể đánh giá được hiệu quả của loại cây này. Do đó, việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn hiện phải hết sức thận trọng, không phát triển ồ ạt, hạn chế trồng thuần mà chỉ ưu tiên trồng xen, phân tán để tránh rủi ro. Một trong những lý do tỉnh chưa phát triển ồ ạt cây mắc ca là chưa đánh giá được hiệu quả và đặc biệt đầu ra chưa bảo đảm. “Hiện nay mô hình trồng xen cây cà phê với các loại cây trồng khác như sầu riêng, bơ… đã có hiệu quả trông thấy, đem lại lợi ích cho người dân. Trong khi đó, việc phát triển cây mắc ca khá khó khăn vì đặc thù sinh trưởng loài cây này cũng như hiện chưa có đầu ra nếu phát triển ồ ạt”, ông Hà chia sẻ.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc