Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

08:02, 15/12/2017

Chi hội nông dân thôn 11, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) hiện có 45 hội viên. Trong những năm qua, Chi hội nông dân thôn 11 đã đẩy mạnh việc vận động hội viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Chi hội thường xuyên duy trì sinh hoạt hằng tháng để các hội viên trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình sản xuất; tạo nhiều điều kiện để hội viên tham dự các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, nhiều hội viên đã thực hiện thành công các mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi với thu nhập bình quân hằng năm lên đến 200 – 300 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Trọng (thứ 3, từ trái sang) trao đổi kinh nghiệm sản xuất với các hội viên nông dân thôn 11.
Ông Phạm Văn Trọng (thứ 3, từ trái sang) trao đổi kinh nghiệm sản xuất với các hội viên nông dân thôn 11.

Cách đây 7 năm, khu vườn của gia đình ông Phạm Văn Trọng khô cằn, chỉ trồng được sắn và mía. Những năm mưa thuận gió hòa, ông còn thu lãi được chút ít để trang trải công chăm sóc. Những năm hạn hán kéo dài, ông đành bỏ hoang. Đầu năm 2010, sau khi tham quan một mô hình trồng quýt đường ở huyện Cư Jút (Đắk Nông),  nhận thấy loại cây này có thể phù hợp với chất đất trong vườn nhà, ông Trọng quyết định trồng thử nghiệm 500 cây quýt đường. Đến năm 2015, vườn quýt bắt đầu cho thu hoạch những quả ngọt đầu tiên. Nhờ hợp thổ nhưỡng và được chăm sóc kỹ lưỡng, quýt đường của gia đình ông đạt độ ngọt thanh, kích cỡ lớn, trọng lượng trung bình khoảng 6 – 8 trái/kg. Với giá thị trường 20.000 đồng/kg, nếu tính bình quân mỗi cây cho 30 kg trái, riêng vụ quýt này, ông nắm chắc lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Ngoài quýt, ông còn trồng thêm các loại cây ăn trái khác để đa dạng chủng loại cho vườn cây của mình. Đến nay, gia đình ông Trọng đã có 3,5 ha cây ăn trái với 600 cây quýt đường, 250 cây xoài Đài Loan và hơn 100 cây bưởi da xanh.

Trước đây, gia đình ông Tăng Văn Lành chỉ trông vào thu nhập từ 1,3 ha cà phê. Vì đất cằn cỗi nên mỗi năm vườn cà phê chỉ cho thu hoạch hơn 2 tấn nhân; sau khi trừ chi phí đầu tư thì chẳng còn bao nhiêu lãi. Thấy trồng cà phê hiệu quả thấp, ông quyết định phá bỏ 3 sào cà phê già cỗi và trồng cỏ để phát triển chăn nuôi dê, bò theo hình thức nuôi nhốt. Nhờ nuôi nhốt hoàn toàn nên ông không tốn công chăn thả; tranh thủ được thời gian rảnh rỗi trong ngày để cắt cỏ, dọn chuồng. Thời điểm cao nhất, trang trại chăn nuôi của ông lên đến 50 con dê và 6 con bò sinh sản. Mỗi năm, ông xuất bán 2 lứa dê thịt, 1 lứa bò. Ngoài ra, ông còn bán dê giống, bò giống cho các nông dân khác. Tổng thu nhập bình quân từ dê và bò mỗi năm trên 50 triệu đồng. Việc nuôi nhốt còn giúp ông Lành tận dụng tối đa nguồn phân bò, phân dê thải ra mỗi ngày. Toàn bộ phân sau khi thu gom được ủ cùng với chế phẩm sinh học để bón cho cà phê. Nhờ nguồn phân chuồng màu mỡ, vườn cà phê của gia đình ông ngày một xanh tốt, năng suất đạt trên 4 tấn/ha.

Ông  Phạm Văn Trọng đang chăm sóc  vườn cây  ăn trái  của gia đình.
Ông Phạm Văn Trọng đang chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình.

Có thể nói, chính nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật mà đời sống của hội viên nông dân cũng như bộ mặt chung của thôn 11 đã khởi sắc hơn hẳn so với trước đây. Đến nay, toàn thôn chỉ có 1 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo trong tổng số 315 hộ dân. Đây là kết quả đáng ghi nhận đối với một địa bàn có đến 95% hộ dân tham gia sản xuất nông nghiệp. Ông Dương Đình Hải, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn 11 cho biết, thời gian tới, chi hội sẽ tiếp tục đa dạng hóa hoạt động, tăng cường giới thiệu các cách làm hay, các tấm gương sản xuất giỏi của thôn và các chi hội lân cận để động viên nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi hiệu quả hơn, góp phần hình thành những sản phẩm thế mạnh của địa phương. 

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.