Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ những mô hình bộ đội giúp dân phát triển kinh tế

08:27, 12/12/2017

Bằng tình cảm và trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo luôn trăn trở, nghiên cứu các mô hình giúp bà con xã vùng biên Ia Lốp (huyện Ea Súp) phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Năm 2003, gia đình ông Nguyễn Văn Bửu rời quê hương Bến Tre, đến thôn Trung, xã Ia Lốp sinh sống, lập nghiệp. Như rất nhiều người dân miền Tây sông nước khác, trên vùng đất mới, gia đình ông loay hay tìm kế sinh nhai, phát triển sản xuất, nhưng thật không dễ dàng bởi vùng biên có đất khá cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt. Cho đến năm 2015, được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo hỗ trợ cây giống, ngày công, kỹ thuật, gia đình ông đã lựa chọn các loại cây ăn quả để trồng, phát triển kinh tế.

Đáng kể nhất là vườn ổi với khoảng 300 gốc, dù mới ra trái những mùa đầu, nhưng đã cho thu hoạch được 4-5 tạ. Nếu nhập giá sỉ, ổi có giá từ 8-10 nghìn/kg, nhưng bán lẻ thì có khi lên tới 15 nghìn/kg. Ông Bửu chia sẻ, theo lời bộ đội hướng dẫn, gia đình ông trồng ổi sạch để bảo đảm an toàn cho chính mình và cả người tiêu dùng. Hơn thế, giống ổi Đài Loan có đặc điểm là ngọt, quả to, giòn, hợp với đất cằn Ia Lốp, được thị trường rất chuộng nên gia đình không phải lo lắng đầu ra. 

Mô hình trồng ổi của gia đình ông Nguyễn Văn Bửu.
Mô hình trồng ổi của gia đình ông Nguyễn Văn Bửu.

Từ thành công bước đầu, ông Bửu tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn quả, đến nay, trên 700 gốc nhãn, 400 gốc xoài của gia đình đã bắt đầu sinh trưởng tốt, hứa hẹn sẽ mở ra một tương lai mới cho gia đình ông nói riêng và bà con xã Ia Lốp nói chung. Nhắc đến những người lính quân hàm xanh, ông Bửu khẳng định: “Gia đình có được như hôm nay đều nhờ bộ đội giúp đỡ. Các anh đã nhiều năm đồng hành hỗ trợ gia đình cả vật chất lẫn tinh thần, khiến chúng tôi rất cảm kích, luôn xem các anh như người thân gia đình…”. Lời ông Bửu chia sẻ cũng là tình cảm chung của nhiều gia đình trên địa bàn xã Ia Lốp dành cho người lính biên phòng. Dẫu khí hậu vùng biên khắc nghiệt, đất cằn đến nhường nào, thì những người lính Cụ Hồ vẫn luôn ghi nhớ phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân.

Sự nhiệt huyết, chân tình của bộ đội biên phòng chính là động lực cho nhiều gia đình vượt lên khó khăn, chuyên tâm hơn vào phát triển sản xuất.

Ngoài mô hình trồng cây ăn quả tại thôn Trung, Đồn Biên phòng Ea H’leo còn giúp gia đình ông Đặng Hoàng Long (thôn Giồng Trôm) phát triển mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Được bộ đội hỗ trợ nhân lực, kỹ thuật, hàng trăm gốc thanh long của gia đình ông Long phát triển rất tốt. Chỉ riêng vụ mùa trái bói năm 2015, gia đình đã thu về gần 30 triệu đồng.

Với những người lính áo xanh, để cùng bà con xây dựng được các mô hình nói trên, các anh đã không quản thời gian, đường sá cách trở để đến tận nhà, hỗ trợ cây giống, phân bón, ngày công lao động. Bên cạnh đó, các anh còn nghiên cứu thêm kỹ thuật trồng, chăm sóc cây; tìm hiểu các loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng để hướng dẫn cho nông dân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo giúp dân chăm sóc cây trồng.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo giúp dân chăm sóc cây trồng.

Đại úy Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ea H’leo cho biết, đơn vị luôn xác định công tác vận động quần chúng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, góp phần xây dựng, củng cố khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt. Đặc biệt, việc giúp nhân dân vùng biên phát triển kinh tế không chỉ là trăn trở riêng của bộ đội biên phòng, mà còn là nỗi niềm chung của chính quyền, địa phương. Vượt lên mọi khó khăn, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thêm các mô hình kinh tế mới, giúp bà con vùng biên xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.