Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp: Biến ý tưởng thành hiện thực

07:47, 11/12/2017

Từ những ý tưởng khả thi, cùng với nghị lực vượt khó, mạnh dạn dám nghĩ dám làm của chị em hội viên, các cấp Hội Phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ, giúp đỡ hội viên trên địa bàn vay vốn khởi nghiệp, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu.

Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm là hướng khởi nghiệp được bà Nguyễn Thị Ngọ (tổ dân phố 12, phường Tân An) lựa chọn. Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 30 triệu đồng và Hội LHPN phường Tân An hỗ trợ 10 triệu đồng, cùng với số vốn tích lũy được tháng 6 vừa rồi bà Ngọ đã quyết định xây dựng chuồng trại để chăn nuôi heo, bò, gà và vịt. Nhờ có kinh nghiệm khi chăn nuôi heo, bò thuê trước đây nên khi khởi nghiệp bằng mô hình này bà không mấy bỡ ngỡ mà khá thành thạo. Ban đầu, bà mua 4 con bò, hơn 10 con heo sinh sản và một vài con gà, vịt về nuôi; đến bây giờ, đàn heo đã phát triển lên hơn 30 con, 2 con bò đang mang thai và đàn gà, vịt cũng tăng lên hàng chục con. Bà Ngọ tâm sự: “Bao nhiêu năm làm thuê, làm mướn chẳng đủ tiền để thực hiện ước mơ đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi phát triển kinh tế, do đó khi được hỗ trợ vay vốn tôi rất mừng. Bây giờ, hằng ngày quanh quẩn với đàn vật nuôi vừa tạo nguồn kinh tế ổn định để lo cho con cái vừa là niềm vui của tuổi già”.

Chị Đặng Thị Bích Liên  khởi nghiệp bằng  mô hình nuôi gà lấy trứng.
Chị Đặng Thị Bích Liên khởi nghiệp bằng mô hình nuôi gà lấy trứng.

Với gia đình chị Đặng Thị Bích Liên (thôn 1, xã Cư Êbur), nhờ được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp 10 triệu đồng, trong tháng 8 vừa rồi, chị đã mua gà ta nuôi để lấy trứng. Từ số tiền thu được từ bán trứng hơn 100 nghìn đồng/ngày, chị tiếp tục đầu tư nuôi gà đẻ; đến nay đàn gà của gia đình chị đã phát triển lên đến hơn 70 con. Theo chị Liên, gia đình không có đất rẫy cũng không nghề nghiệp ổn định nên bấy lâu nay ai thuê gì chị làm đó, bây giờ nhờ được hỗ trợ vay vốn, chị yên tâm chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

 
“Khác với các chương trình hỗ trợ vay vốn thông thường, phong trào giúp đỡ hội viên khởi nghiệp ngoài tạo điều kiện vay vốn để sản xuất, Hội Phụ nữ còn hỗ trợ về thủ tục, giấy tờ, cơ chế và cùng theo sát, đồng hành, giúp đỡ trong quá trình hội viên tham gia khởi nghiệp”. 
 
 Đỗ Thị Kim DũngChủ tịch Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột

Có thể nói, việc vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN các cấp nói chung và Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột nói riêng. Không chỉ từ nguồn vốn hỗ trợ của Hội LHPN cấp tỉnh và thành phố mà hội phụ nữ xã, phường đến các chi hội cũng đã triển khai vận động hội viên cùng chung tay góp sức đồng hành cùng chị em có hoàn cảnh khó khăn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống. Từ đây, nhiều mô hình kinh tế đã và đang phát huy hiệu quả, tạo thu nhập cho gia đình hội viên, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bà H’Blỗn Ênuôl, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Êbur cho biết: Với số tiền được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp từ 10 đến 20 triệu đồng tùy theo mô hình kinh doanh của mỗi hộ, cả 5 hội viên phụ nữ của địa phương đều đang triển khai thực hiện khá tốt. Trong đó, có 4 chị thực hiện mô hình chăn nuôi, còn 1 chị mở tiệm tạp hóa nhỏ để buôn bán. Quả thật, số tiền hỗ trợ tuy không lớn, nhưng đó là động lực giúp chị em thực hiện những ý tưởng của mình để vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng”.

Phụ nữ phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế từ chăn nuôi.
Phụ nữ phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế từ chăn nuôi.

Với những thành công bước đầu của bà Ngọ, chị Liên và nhiều chị em phụ nữ khác được hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp, hy vọng rằng thời gian tới các cấp Hội sẽ tiếp tục phát triển, hỗ trợ thêm nhiều chị em khởi sự kinh doanh để góp phần giúp hội viên phụ nữ có thêm nghị lực, niềm tin vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.