Multimedia Đọc Báo in

Krông Jing nỗ lực vươn lên thoát nghèo

08:29, 12/12/2017

Xã Krông Jing (huyện M’Đrắk) có 2.541 hộ với 10.982 nhân khẩu, gồm 15 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 69,6%.

Những năm qua, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Krông Jing đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nông dân buôn Hoang, xã Krông Jing (huyện M'Đrắk) thu hoạch lúa.
Nông dân buôn Hoang, xã Krông Jing (huyện M'Đrắk) thu hoạch lúa.

Những năm gần đây, các ngành chức năng, chính quyền xã Krông Jing đã tăng cường mở các lớp tập huấn giúp người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, đưa vào sản xuất nhiều giống cây, vật nuôi mới cho năng suất cao; vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Trong năm 2017, để hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, xã đã phối hợp với Phòng Dân tộc huyện tổ chức khảo sát nhu cầu, lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho hộ nghèo 20 thôn, buôn theo Quyết định 102 (trong đó, cấp 16.932 kg muối cho 1.332 hộ, 5.641 khẩu; cấp 5.692 kg lúa giống Nhị ưu 838 cho 1.019 hộ, 4.420 khẩu và cấp 1.836 con gà giống cho 313 hộ nghèo); cấp 29 con bò giống cho 29 hộ nghèo theo Chương trình 135 với số tiền gần 300 triệu đồng. 

Chính quyền xã cũng phân công các tổ chức đoàn thể theo dõi giúp đỡ để các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Dự án giám nghèo khu vực Tây nguyên cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển sản xuất như xây dựng đường giao thông nội buôn Trưng, buôn TLu và triển khai 12 mô hình sinh kế tại 12 thôn, buôn như nuôi heo thịt, nuôi dê sinh sản, trồng mía, đinh lăng với tổng vốn trên 2,8 tỷ đồng.

 

Nhờ những nỗ lực trên, tình trạng thiếu đói vào mùa giáp hạt trên địa bàn xã đã không còn; nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; bộ mặt các thôn, buôn cũng đổi thay đáng kể.

Gia đình ông Y Lú Niê ở buôn M’Lốc B đã biết chăn nuôi bò bán công nghiệp thay vì chăn thả như trước đây
Gia đình ông Y Lú Niê ở buôn M’Lốc B đã biết chăn nuôi bò bán công nghiệp thay vì chăn thả như trước đây.

Trước đây, kinh tế của người dân buôn M’lốc B phụ thuộc hoàn toàn vào ruộng rẫy, điều kiện canh tác, sản xuất lạc hậu nên năng suất cây trồng, vật nuôi bấp bênh. Do đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên bà con thường phải bán lúa non cho các tư thương với giá rẻ, đến vụ thu hoạch con buôn vào tận ruộng lấy lúa, có gia đình không còn lúa mang về nhà. Từ năm 2009, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bà con trong buôn đã từng bước đầu tư chăn nuôi, mua sắm công cụ sản xuất, phân bón cho cây trồng… Được tham gia các lớp tập huấn về cách làm ăn, nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Nhờ vậy, các hộ nghèo trước đây nay phần lớn đã thoát nghèo, có hộ vươn lên khá, giàu có vốn sản xuất, xây nhà mới, mua sắm vật dụng gia đình có giá trị và có điều kiện lo cho con cái học hành.

Đến nay, buôn M’lốc B có  trên 80% hộ có nhà ở kiên cố; 100% hộ có tivi, xe máy, điện chiếu sáng; 95% hộ có xe công nông phục vụ sản xuất; tỷ lệ hộ gia đình văn hóa chiếm trên 80%. Đến cuối năm 2017, buôn chỉ còn 81 hộ nghèo (chiếm 52,6%), 23 hộ cận nghèo (chiếm 14,9%), giảm 15 hộ nghèo và cận nghèo so với đầu năm 2017.

Đến cuối năm 2017, xã Krông Jing còn 1.193 hộ nghèo, chiếm 48,1% (giảm 6,76%); 307 hộ cận nghèo, chiếm 12,38% (giảm 3,68% so với đầu năm 2017). Trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có 918 hộ (chiếm 79,95%), giảm 669 hộ so với đầu năm 2017. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân cũng ngày một nâng cao, có 20 thôn, buôn được công nhận thôn, buôn văn hóa, 2.039 hộ gia đình đạt văn hóa, chiếm 86,4%; vượt 6,4% kế hoạch.      


Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.