Multimedia Đọc Báo in

Người trồng rừng huyện M'Đrắk lao đao tìm đầu ra sau bão

08:52, 22/12/2017

Cơn bão số 12 tràn qua hồi đầu tháng 11-2017 khiến hàng nghìn héc-ta rừng trồng keo, bời lời của người dân huyện M’Đrắk bị gãy đổ. Sau cơn bão, người trồng rừng huyện M’Đrắk tiếp tục lao đao do việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn.

Huyện M’Đrắk hiện có 72.897 ha đất rừng; trong đó có 59.033 ha rừng tự nhiên và 13.864 ha rừng trồng; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 49,1%. Trong những năm qua, việc phát triển trồng rừng bước đầu mang lại kết quả khả quan, tạo nên bước ngoặt trong phát triển kinh tế địa phương, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo tính toán của người dân, trồng rừng keo nguyên liệu có nhiều thuận lợi bởi cây keo không đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng và công chăm sóc, chi phí đầu tư chỉ khoảng từ 10 - 20 triệu đồng/ha. Nếu chăm sóc tốt thì chỉ sau 5 năm, mỗi héc-ta rừng cho thu hoạch 100 - 130 ster gỗ, mang lại thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng, giúp nông dân, nhất là người dân tộc thiểu số thoát nghèo. Với định hướng phát triển kinh tế đồi rừng trở thành thế mạnh của địa phương, hằng năm huyện M’Đrắk phấn đấu trồng mới trên 1.000 ha rừng trên diện tích đất sau thu hoạch.

Những cánh rừng nguyên liệu tại xã Ea Trang xơ xác đang chờ thu hoạch.
Những cánh rừng nguyên liệu tại xã Ea Trang xơ xác đang chờ thu hoạch.

Năm 2017, huyện M’Đrắk trồng mới 1.110 ha rừng, đạt 100% kế hoạch; trong đó, các doanh nghiệp trồng mới 575 ha, người dân ở các xã và thị trấn trồng 535 ha; chủ yếu tập trung ở xã Ea Mđoal 310 ha, Ea Trang 240 ha, Cư Króa 100 ha, Krông Á 50 ha, Ea Lai 150 ha, Ea Riêng 100 ha, Ea Hmlay 70 ha, Ea Pil 30 ha…

Từ đầu năm đến nay, huyện M’Đrắk đã thu hoạch 110.000 m3 gỗ rừng trồng, trong đó: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk 20.000 m3, Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu 10.000 m3, rừng do người dân trồng và khai thác 80.000 m3. Trên thực tế, sản lượng này ít hơn rất nhiều so với diện tích rừng cần được khẩn trương thu hoạch trên địa bàn huyện. Bởi theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, toàn huyện có trên 6.000 ha rừng trồng bị hư hại; trong đó, nhiều diện tích rừng bị mất trắng là rừng trồng năm thứ hai và thứ ba ở các xã Ea Trang, Cư San, Ea Riêng... ước thiệt hại khoảng 99,5 tỷ đồng.

Người dân thôn Sông Chò (xã Cư San, huyện M’Đrắk) vận chuyển gỗ rừng trồng thu hoạch ra tận lề đường bán cho thương lái.
Người dân thôn Sông Chò (xã Cư San, huyện M’Đrắk) vận chuyển gỗ rừng trồng thu hoạch ra tận lề đường bán cho thương lái.

Gia đình ông Triệu Đức Toàn (thôn Sông Chò, xã Cư San) có 11 ha rừng trồng, trong đó có 8 ha keo nguyên liệu năm thứ tư và 3 ha bời lời năm thứ sáu, với tổng chi phí đầu tư gần 300 triệu đồng. Theo dự kiến cuối năm 2017, gia đình ông sẽ thu hoạch để lấy tiền thanh toán nợ vay và sửa sang ngôi nhà đã xuống cấp. Thế nhưng, giấc mơ cải thiện cuộc sống chưa kịp thực hiện thì cơn bão số 12 đi qua đã khiến tất cả diện tích rừng trồng của gia đình ông bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại trên 50%. Hậu quả do cơn bão là không thể khắc phục song điều ông Toàn lo lắng hơn là vườn keo bán không ai mua, không thuê được nhân công thu dọn bởi hiện nay, trên địa bàn xã Cư San, mỗi héc-ta keo tại rừng giá bán chưa đến 10 triệu đồng, nếu bà con tự thu hoạch vận chuyển ra đường lớn thì giá bán chỉ 500.000 đồng/tấn, trong khi giá thuê nhân công đã lên đến 200.000 đồng/ngày, nguồn thu không đủ bù chi phí thu hoạch.

Những cánh rừng mang lại hy vọng đổi đời cho bao người dân giờ đây gần như mất trắng, thậm chí nhiều người vay vốn đầu tư trồng rừng lâm vào cảnh nợ nần. 
 

Xã Krông Á có 1.173,76 ha rừng trồng (trong đó, diện tích rừng trồng trong dân là 223,5 ha; diện tích rừng trồng của các công ty, doanh nghiệp 950,26 ha). Ông Trần Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Á cho biết: Cơn bão số 12 đã làm gần 700 ha rừng trồng thiệt hại từ 30 % đến trên 70%, trong đó: rừng của công ty, doanh nghiệp trên 400 ha, rừng trong dân gần 252 ha. Do rừng trồng bị gãy đổ nhiều nên việc tiêu thụ sản phẩm sau bão cũng gặp nhiều khó khăn bởi không có thương lái mua. Hàng nghìn héc-ta rừng bị thiệt hại phải thu non hoặc thu ép, trong khi đó công suất tiêu thụ của các nhà máy lại có hạn, nên việc thu gom diện tích rừng gãy đổ của người dân lại càng khó khăn, nguy cơ hàng nghìn khối gỗ keo phải làm củi khô.

Thiết nghĩ, để kịp thời hỗ trợ người trồng rừng khắc phục thiệt hại do mưa bão, các cấp, các ngành và địa phương cần có biện pháp liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm; chỉ đạo bà con trước mắt tận thu cây gãy, đổ để bán cho các nhà máy dăm gỗ, tiếp tục chăm sóc để phục hồi những cây còn sống. Về lâu dài, cần có chủ trương hỗ trợ nguồn vốn vay, cây giống, kỹ thuật chăm sóc... để người dân có thời gian khắc phục thiệt hại do bão gây ra, tiếp tục trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp tại địa phương.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc