Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Ea Kar thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

17:15, 24/12/2017

Hội Nông dân huyện Ea Kar hiện có 20.789 hội viên, sinh hoạt ở 16 tổ chức cơ sở hội, 238 chi hội thôn, buôn, tổ dân phố.

Trong thời gian qua, thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, Hội Nông dân huyện đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế.

Ông Y Cư Niê, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea Kar cho biết, trong năm 2017, Hội đã phối hợp tổ chức được hàng trăm buổi hội thảo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng nghìn lượt hội viên; đứng ra tín chấp 134 tấn phân bón các loại trị giá hơn 750 triệu đồng cho nông dân được mua trả chậm; triển khai chương trình hỗ trợ 10.000 cây giống đạt chất lượng giúp nông dân tái canh cà phê niên vụ 2017. Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai thực hiện tín dụng với tổng dư nợ đạt gần 121 tỷ đồng cho 5.945 hộ vay. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện Ea Kar còn vận động hội viên hỗ trợ, giúp đỡ nhau được 3.420 cây giống các loại, 610 con giống, 1.430 ngày công lao động, huy động được 1,6 tỷ đồng giúp 1.620 hộ nông dân, trong đó có 670 hộ nghèo phát triển kinh tế.

Nhờ  chuyển đổi cây trồng hợp lý, mỗi năm gia đình ông Vũ Văn Vĩnh (thôn 3, xã Cư Elang) có thu nhập hàng tỷ đồng.
Nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý, mỗi năm gia đình ông Vũ Văn Vĩnh (thôn 3, xã Cư Elang) có thu nhập hàng tỷ đồng.

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân các cấp, nhiều nông dân đã vượt khó xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, trở thành điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Điển hình như gia đình ông Vũ Văn Vĩnh ở thôn 3, xã Cư Elang. Năm 2010, hưởng ứng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Vĩnh đã mạnh dạn phá bỏ 5 ha cà phê kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái gồm quýt, bưởi da xanh và cam. Năm 2017, gia đình ông Vĩnh đã bán ra thị trường 50 tấn quýt, 60 tấn cam và 5 tấn bưởi. Với giá bán trung bình 22.000 đồng/kg quýt, 16.000 đồng/kg cam và 30.000/kg bưởi, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 2 tỷ đồng.

Năm 2017, toàn huyện Ea Kar có 6.790 hộ được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (chiếm 83,82%). Nông dân trên địa bàn huyện còn tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới: trong năm 2017, nông dân các địa phương đã hiến 5.406 m2 đất, 1.620 cây trồng các loại, 2.368 ngày công, đóng góp 6,5 tỷ đồng, làm mới và tu sửa được 131 km đường giao thông nông thôn.

Chủ tịch Hội Nông dân Y Cư Niê khẳng định: “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện đã góp phần hình thành vùng sản xuất chuyên canh, các trang trại, doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp, tạo động lực thúc đẩy nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích, nâng cao vai trò, vị thế của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp xây dựng nông thôn mới”.

Hoàng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.