Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường chống hàng giả, kém chất lượng dịp cuối năm

10:49, 25/12/2017

Vấn nạn hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay. Đặc biệt lợi dụng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều đối tượng kinh doanh không lành mạnh đã trà trộn các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái nhằm thu lợi nhuận cao.

Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với ông PHẠM THÁI, Giám đốc Sở Công thương về vấn đề này.

Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nào, sản phẩm gì và mức độ tinh vi ra sao, thưa ông?

-Hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở lĩnh vực hàng tiêu dùng và vật tư nông nghiệp. Trong năm 2017, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện hơn 2.000 mũ bảo hiểm giả thương hiệu Nón Sơn của Công ty TNHH thời trang Nón Sơn và hơn 2.500 chai rượu Vodka xâm phạm thương hiệu Vodka Men’s của Công ty Cổ phần rượu bia nước giải khát Aroma và hơn 173 tấn phân bón kém chất lượng. Hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng được sản xuất tinh vi, đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại làm cho người tiêu dùng khó phân biệt, nhất là khi không có sản phẩm thật để đối chứng.

Nhân viên hải quan (Cục  Hải quan Đắk Lắk) kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Ảnh minh họa
Lực lượng Hải quan Đắk Lắk đang kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Bu Prăng. Ảnh minh họa


Vào thời điểm cuối năm tình hình sản xuất hàng giả như: nước giải khát, rượu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và buôn bán thực phẩm không có nguồn gốc, không được kiểm dịch đang diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh, nhất là tại TP. Buôn Ma Thuột. Xin ông cho biết rõ hơn về thực trạng này.

Cũng như những địa bàn khác trong tỉnh, tình hình buôn bán, vận chuyển nước giải khát, rượu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thực phẩm không có nguồn gốc, không được kiểm dịch trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột còn nhiều diễn biến phức tạp. Tuy không bày bán công khai nhưng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ vẫn trà trộn với các loại hàng hóa khác để bán cho người tiêu dùng, tạo ra sự nhầm lẫn đánh lừa người tiêu dùng. Một số mặt hàng thực phẩm như: bánh kẹo, mứt, nước giải khát do các cơ sở sản xuất nhỏ sản xuất hầu hết vi phạm về nhãn hàng hóa, hoặc mặt hàng rượu sản xuất thủ công bày bán nhiều tại các cửa hàng tạp phẩm hầu hết không được kiểm định chất lượng. Vì lợi nhuận đối tượng kinh doanh đã dùng đủ mọi thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi vi phạm, từ đó đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế của người dân và các doanh nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan cấp trên, lực lượng quản lý thị trường và các ngành chức năng trong tỉnh đã tích cực kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ vi phạm góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, quyền và lợi ích chính đáng của người dân trong tỉnh.

Để giảm nguy cơ hàng giả xâm lấn thị trường, nhất là trong dịp Tết, ngành chức năng đã triển khai những biện pháp gì, thưa ông?

- Để giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân hiểu về tác hại của hàng giả, khuyên người dân nên mua những mặt hàng có tem, nhãn hàng hóa rõ ràng, trên tem nhãn có đầy đủ những thông tin bằng tiếng Việt về nguồn gốc hàng hóa, thương nhân chịu trách nhiệm về sản xuất hàng hóa, chất lượng và hạn sử dụng của hàng hóa, không mua những hàng hóa không có nhãn hay không rõ nguồn gốc. Khi mua những hàng hóa có nhãn là những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cần phải xem xét kỹ nhãn phụ bằng tiếng Việt, nếu không có nhãn phụ tiếng Việt thì đó có thể là hàng giả, hàng nhái, hoặc là hàng nhập lậu thì không nên mua và thông báo ngay đến các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Công an để kiểm tra và xử lý. Đồng thời các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý thật nghiêm đối với đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Xin cảm ơn ông!

 Nguyên Hoa (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.