Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

08:47, 19/12/2017

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Ea Súp đã có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ea Súp đang triển khai thực hiện 16 chương trình cho vay vốn như cho vay ưu đãi hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trưởng nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn... với tổng dư nợ hơn 280 tỷ đồng, riêng trong năm 2017 dư nợ cho vay hơn 93,8 tỷ đồng. 

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Nguyễn Quốc Cường đã đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm rơm cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Nguyễn Quốc Cường đã đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm rơm cho hiệu quả kinh tế cao.

Hằng năm, để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ea Súp đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 4 tổ chức chính trị xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên. Phương thức cho vay ủy thác thông qua việc bình xét công khai ngay trong cộng đồng dân cư, cùng với mạng lưới 10 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn và 260 tổ tiết kiệm vay vốn tại các thôn, buôn, tổ dân phố, việc tổ chức giải ngân lưu động định kỳ đã giúp các hộ vay vốn ở vùng sâu, vùng xa của huyện giảm bớt khó khăn cũng như thủ tục rườm rà trong quá trình vay vốn.

Từ những nguồn vốn vay ưu đãi này, đã có hàng nghìn hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện có tiền đầu tư trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Quốc Cường (thôn 3, xã Ya Tờ Mốt). Năm 2016, anh được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn để đầu tư trồng nấm rơm. Từ 3 nhà nấm ban đầu với diện tích chỉ 100 m2, đến nay đến nay diện tích nhà nấm của anh Cường đã tăng lên 400 m2, mỗi tháng cung cấp ra  thị trường hơn 1 tấn nấm, mang lại nguồn thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Từ mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả cao của anh Cường, nhiều hộ nông dân đã đến tham quan học hỏi và làm theo, hình thành nên Hợp tác xã nấm và dịch vụ nông nghiệp Ea Súp do anh Cường làm chủ nhiệm.

Chị Mã Thị Toan thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi bò.
Chị Mã Thị Toan thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi bò.

Chị Mã Thị Toan (thôn 2, xã Cư Kbang) vốn có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi mà không đủ trang trải cuộc sống. Năm 2007, thông qua Hội Phụ nữ địa phương, chị đã được vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay ưu đãi hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư vào chăn nuôi bò. Từ một cặp bò sinh sản, đến nay gia đình chị đã có đàn bò 12 con. Có vốn tích lũy, năm 2010 gia đình chị mua được 2 ha đất ruộng và 5 sào đất trồng điều, hằng năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Năm 2012, gia đình chị đã thoát nghèo.

Thành Trung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.