Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ mô hình trồng táo ở Ea Ô

08:50, 22/12/2017

Phát huy lợi thế của địa phương, nhiều hộ dân ở xã Ea Ô (huyện Ea Kar) đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng táo, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương một cách hiệu quả.

Đến thăm mô hình trồng táo trên vùng đất khô hạn, bạc màu của ông Phạm Văn Tân, ở thôn 11, đúng lúc gia đình ông đang tất bật thu hái những trái táo xanh mướt, căng mọng. Chốc chốc lại có thương lái đến thu mua. Là một trong những người tiên phong trồng táo ở địa phương, ông Tân cho biết, ban đầu gia đình chỉ trồng vài cây lấy quả ăn, nhưng thấy cây phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao nên năm 2014, ông quyết định chuyển đổi 2 sào trồng đậu, bắp sang trồng táo. Nhờ biết cách chăm sóc, cùng với phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên cây táo phát triển rất nhanh. Chỉ khoảng 1 năm là cây đã cho thu hoạch, lượng quả bói đạt khoảng 20 kg/cây, đem lại lợi nhuận ngay từ năm đầu tiên. Khi chín, táo có vị ngọt thanh, giòn và thơm nên rất dễ tiêu thụ.

Ông Phạm Văn Tân đang thu hoạch táo.
Ông Phạm Văn Tân đang thu hoạch táo.

Tương tự, gia đình ông Phạm Văn Tạc ở thôn 11 cũng đã chuyển đổi gần 1 sào điều kém hiệu quả sang trồng táo. Theo tính toán của ông Tạc, nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì bình quân mỗi gốc táo sẽ cho năng suất từ 50 – 70 kg/năm. Với giá bán ổn định từ 10.000 – 12.000 đồng/ kg. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 80 triệu đồng. Theo ông Tạc, vùng đất Ea Ô quanh năm nắng nóng, khô hạn, nên thường ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Tuy nhiên, với đặc tính chịu hạn tốt, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp lại cho thu hoạch hàng chục năm nên hiệu quả kinh tế cây táo mang lại gấp 2 – 3 lần so với các loại hoa màu, rau quả khác. Ông Tạc dự định sẽ mở rộng quy mô trồng táo lên 5 sào vào năm sau.

Vườn táo của ông Phạm Văn Tạc sai trĩu quả.
Vườn táo của ông Phạm Văn Tạc sai trĩu quả.

Ông Nguyễn Văn Sâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ô cho biết,  cùng với một số cây trồng truyền thống ở địa phương thì cây táo cũng đang trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện cuộc sống cho nhiều người dân trên địa bàn xã. Điều đáng mừng là người dân trồng táo gần như không phải lo đầu ra vì đến mùa thu hoạch đã có thương lái về tận vườn để thu mua.

Hiện nay địa bàn xã Ea Ô, có 4 - 5 hộ gia đình đã phát triển mô hình trồng táo. Theo ông Sâm, để mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới xã sẽ mở thêm nhiều lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật, công tác chăm sóc để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi những cây trồng vùng đất khô cằn, kém hiệu quả sang mô hình trồng táo.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc