Cần sớm có giải pháp can thiệp để bảo đảm an toàn đập Phù Mỹ
Trước tình trạng xuống cấp của công trình thủy lợi Phù Mỹ (thuộc địa phận xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo), Công ty TNHH MTV Quản lý công trình (QLCT) thủy lợi Đắk Lắk đã nhiều lần triển khai việc sửa chữa, nâng cấp nhằm bảo đảm an toàn hồ đập nhưng đều bị một số người dân cản trở...
Hồ chứa nước Phù Mỹ được hình thành từ năm 1987-1989, phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong vùng. Đến năm 1997, hồ được nâng cấp, kiên cố hóa đập tràn theo hình thức Nhà nước đầu tư, nhân dân tự nguyện hiến đất, với bờ đập dài hơn 200m, trữ lượng 200.000m3, nhằm phục vụ tưới cho hơn 100 ha cây trồng.
Máy móc phục vụ cho việc sửa chữa tạm ngưng hoạt động vì phản ứng gay gắt của người dân. |
Khoảng thời gian tháng 11-2014 trở về trước, công trình này được UBND tỉnh giao cho UBND huyện Ea H’leo quản lý khai thác. Sau nhiều năm sử dụng, công trình bị bồi lấp, xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn cao, thêm vào đó diện tích sản xuất nông nghiệp trong xã phát triển mạnh, nhu cầu về tưới tiêu lớn nên đến năm 2010, huyện có chủ trương nâng cấp đập (đắp cao thêm 2 m và kiên cố đập tràn) nhằm tăng khả năng phục vụ tưới của công trình. Lúc này huyện tiến hành lập phương án đền bù cho các hộ nằm trong dự án, với số tiền dự kiến là 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi huyện lập xong phương án đền bù thì nhiều hộ dân lại đòi đền bù diện tích ở dưới lòng hồ và phần thân đập (diện tích này trước kia các hộ đã tự nguyện hiến từ năm 1997). Số hộ dân này đã đứng ra cản trở các đơn vị thi công không cho tiến hành nâng cấp đập. Theo chính quyền xã Cư Mốt, do các hộ dân không đưa ra được giấy tờ chứng minh có đất lòng hồ, công trình không có hồ sơ nên chính quyền từ huyện đến tỉnh không có căn cứ pháp lý để giải quyết đền bù. Tuy nhiên, một số hộ dân ở xã Cư Mốt vẫn kiên quyết đòi chính quyền địa phương phải bồi thường, đền bù đất mới cho thi công sửa chữa, nâng cấp hồ chứa.
Ông Lương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, 57 hộ dân có diện tích đất nằm trong dự án dự kiến nâng cấp đập năm 2010 đã đồng ý với phương án đền bù (14 triệu đồng/sào) và đã được đền bù số tiền trên 1,6 tỷ đồng. Còn 24 hộ có diện tích trong lòng hồ (đã tự nguyện hiến khi huyện nâng cấp hồ chứa vào năm 1997) không có trong phương án đền bù trong đợt nâng cấp lần 2 (năm 2010) cũng đã được huyện giải quyết đền bù với giá 9 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, đến nay họ chưa nhận được tiền đền bù là do một số hộ không đồng ý với giá nêu trên. Do công trình không thi công được, nguồn vốn để nâng cấp công trình Phù Mỹ cũng không giải ngân được trong thời gian dài nên đã bị cắt. Hiện tại huyện không còn nguồn kinh phí để đền bù cho các hộ dân này.
UBND huyện Ea H’leo cho biết, công tác vận động người dân hiện vẫn hết sức khó khăn, thái độ người dân vẫn rất căng thẳng. Huyện chưa có giải pháp nào khác ngoài việc tiếp tục chỉ đạo xã tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con để công ty tiến hành sửa chữa công trình nhằm bảo đảm an toàn hồ đập trong thời gian tới. |
Từ tháng 11-2014 đến nay, công trình hồ chứa Phù Mỹ được bàn giao cho Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk khai thác và Công ty cũng đã nhiều lần báo cáo, đề xuất phương án sửa chữa, nhưng khi triển khai đã bị những người dân không chịu nhận đền bù trước đây cản trở, không cho thi công nên công trình ngày càng xuống cấp. Tại báo cáo số 215/BC-UBND ngày 4-7-2017 của UBND huyện Ea H’leo về việc vận động nhân dân để thực hiện sửa chữa hồ chứa nước Phù Mỹ có nêu rõ: trong số 24 hộ dân có khiếu nại yêu cầu đền bù đất khi xây dựng hồ chứa vào năm 1997, có 8 hộ đồng ý cho sửa chữa, 8 hộ không đồng ý và 8 hộ bỏ về không họp. Số hộ không đồng ý nêu quan điểm, nếu không được giải quyết đền bù, sẽ không cho thi công sửa chữa.
Hiện trạng mất an toàn rất cao của đập thủy lợi Phù Mỹ, xã Cư Mốt (Ea H’leo). |
Qua thực tế kiểm tra cho thấy, hạng mục chính của công trình đã hư hỏng nghiêm trọng. Cụ thể: kênh dẫn thượng lưu dài 50m gần như bị bồi lấp hoàn toàn, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ, toàn bộ tường bên trái của tràn xả lũ đã đổ sập. Các hư hỏng trên nếu không được khắc phục sẽ dẫn tới xói lở, ăn sâu vào thân đập. Vào các năm 2007 và năm 2013, nước đã tràn qua đỉnh đập và hiện nay phần nước tràn bồi lấp ngày càng nhiều. Theo ông Trần Thế Hoan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, từ tháng 1-2015, UBND tỉnh đã có công văn giao cho Công ty sữa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi Phù Mỹ. Từ đó đến nay, Công ty đã 3 lần báo cáo, đề xuất phương án sửa chữa nhưng đều bị người dân cản trở. Lượt cản trở gần đây nhất vào ngày 31-10-2017, chính quyền địa phương và Công ty đã chuẩn bị máy móc, nhân công để tháo nước trong hồ, tạm thời không tích nước để bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ theo chủ trương của UBND tỉnh nhưng người dân vẫn phản đối kịch liệt và Công ty không thực hiện được. Nếu vỡ đập, sẽ có 20 hộ dân bị thiệt hại trực tiếp, bán kính ảnh hưởng khoảng 1 km.
Minh Thuận-Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc