Chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô gặp khó, vì sao?
Theo QĐ 915, ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô cho các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân trên những diện tích đất trồng lúa từ vụ hè thu 2016 đến hết vụ đông xuân 2018-2019. Theo đó, tỉnh Đắk Lắk sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha chi phí mua giống ngô, kinh phí xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức tập huấn đầu bờ cũng như mua máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Gặp khó khi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, một số nông dân ở Cư Kuin đã quyết định trồng rau. |
Ông Huỳnh Quốc Thích
|
Trong đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì diện tích đất canh tác lúa quy hoạch đến năm 2020 duy trì từ 60.000-61.000 ha nhằm bảo đảm gieo trồng 95.000 ha lúa hằng năm, sản lượng bình quân trên 600.000 tấn. Tuy nhiên, theo thống kê diện tích đất lúa hiện nay là 69.149 ha, như vậy Đắk Lắk cần chuyển đổi sang trồng cây khác khoảng 9.150 ha, tập trung chủ yếu trong vụ đông xuân ở huyện Krông Ana, Ea Kar, Lắk, Krông Năng, Krông Bông... Để thực hiện công tác chuyển đổi theo QĐ 915, Sở NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi từ đất trồng lúa thiếu nước tưới, kém hiệu quả sang trồng ngô từ vụ hè thu 2016 đến hết vụ đông xuân 2018-2019 là hơn 4.890 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này toàn tỉnh mới chỉ chuyển đổi được hơn 540 ha (trong đó năm 2016 là hơn 456 ha, năm 2017 là 85 ha) do hiệu quả trồng ngô thấp hơn trồng lúa. Theo tính toán của bà con nông dân, để sản xuất 1 ha ngô (chuyển đổi trên đất lúa) cần khoảng 20-22 triệu đồng, năng suất trung bình đạt 6-7 tấn/ha (cao hơn trên đất màu từ 0,5-1,5 tấn/ha), giá bán bình quân 5.000 đồng/kg thì lợi nhuận thu về từ 10-13 triệu đồng/ha/vụ, thấp hơn 3-5 triệu đồng so với trồng lúa. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế của các cây trồng khác so với lúa lại cao hơn, đơn cử như với 1 ha khoai lang Nhật cần khoảng 50-80 triệu đồng chi phí đầu tư, năng suất khoảng 20 tấn/ha, giá bán bình quân 8.000 đồng/kg thì lợi nhuận thu về từ 80-110 triệu đồng. Còn các loại đậu lợi nhuận thu về khoảng 20-30 triệu đồng/ha...
Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu xanh tại huyện Ea Kar. |
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT phân tích, trong điều kiện thời tiết biến đổi khí hậu như hiện nay thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một chính sách đúng đắn để ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi và các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao hơn như cà phê, hồ tiêu, cao su… Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô tại Đắk Lắk gần như không thực hiện được do giá trị của cây ngô thấp hơn so với các loại cây trồng khác. Trong khi đó, đất đai hiện nay chủ yếu do nông hộ tự quản lý, nếu trồng ngô không theo quy hoạch, hình thành từng vùng lớn để đưa máy móc vào sản xuất thì hiệu quả kinh tế lại thấp hơn nữa. Vì vậy, Sở đã có đề nghị Cục Trồng trọt tham mưu cho Bộ NN-PTNT xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn ngoài cây ngô như cây đậu, rau màu, khoai lang...
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc