Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội phát triển bơ Úc trên cao nguyên đất đỏ

10:45, 02/01/2018

Là một trong những cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, bơ Hass của Úc đã được Công ty TNHH Trịnh Mười nhập phôi từ cây bơ đầu dòng tại trang trại của Úc đang được trồng thử nghiệm trên diện tích 10 ha tại trang trại bơ Trịnh Mười.

Anh Trịnh Xuân Mười, Giám đốc Công ty TNHH Trịnh Mười cho biết, vốn là người khởi nghiệp từ bơ, cho nên anh luôn tìm tòi những giống bơ ưu việt nhất để trồng. Tình cờ, trong chuyến đi Úc cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phương vào ngày 12-1-2017, anh cùng đoàn công tác đã được đến thăm và kết nối với ông chủ trang trại Farm Shoreham TP. Melbourne, bang Victoria – một trang trại bơ Hass nổi tiếng của Úc. Anh đã đưa 30 mầm đầu tiên về Đắk Lắk ghép trồng thử nghiệm tại trang trại bơ của mình, sau 15 ngày mầm bơ sinh trưởng và phát triển tốt. Ngày 12-2-2017, anh quay trở lại Úc, ký hợp đồng với trang trại Farm Shoreham nhập 5.000 phôi cùng với hỗ trợ kỹ thuật của phía trang trại này về ghép thành công trên diện tích 10 ha. Sau khi hợp đồng phôi giống được chuyển về cho Công ty TNHH Trịnh Mười, phía trang trại bơ Úc đã 3 lần cử kỹ thuật sang Đắk Lắk để thăm và tìm hiểu về quá trình thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Tây Nguyên và rất ngạc nhiên khi thấy những phôi ghép của giống bơ Hass Úc phát triển rất nhanh.

Chuyên gia Úc thăm vườn bơ Hass trồng thử nghiệm tại trang trại bơ Trịnh Mười.
Chuyên gia Úc thăm vườn bơ Hass trồng thử nghiệm tại trang trại bơ Trịnh Mười.

Là cây có giá trị kinh tế cao, tiềm năng thị trường xuất khẩu lớn, ước tính bình quân 1 ha bơ Hass có thể mang lại thu nhập cho người nông dân khoảng 1,5-2 tỷ đồng/năm, sẽ đem lại nhiều cơ hội làm giàu cho người nông dân. 

Vào cuối năm 2017, trong chuyến làm việc của đoàn công tác của Trường Đại học Victory, TP. Melbourne, Úc với tỉnh để trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực chế biến nông nghiệp, vấn đề đưa cây bơ Hass của Úc về trồng ở Đắk Lắk được tỉnh đặc biệt quan tâm. Có mặt trong chuyến đi này, Giáo sư Hoàng Mạnh (hiện đang làm việc tại Trường Đại học Victoria) là người kết nối đưa cây bơ Hass của Úc về Đắk Lắk, cũng như giữ vai trò quan trọng xúc tiến một số chương trình hợp tác giữa Đắk Lắk và Trường Đại học Victoria cho biết, Đại học Victoria là trường công lập có nhiều sinh viên quốc tế và Việt Nam theo học. Trường có thế mạnh về nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến phát triển nông nghiệp như kỹ thuật trồng trọt, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, phòng chống bệnh trên sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, môi trường sản xuất nông nghiệp. Qua kết quả khảo nghiệm ban đầu, điều kiện thời tiết ở Tây Nguyên khá lý tưởng, phù hợp đối với việc phát triển cây bơ Hass. Việc mở rộng diện tích này sẽ tạo điều kiện cho người nông dân nơi đây cải thiện thu nhập, bởi đây là cây ăn trái có giá trị kinh tế cao với trị trường xuất khẩu tiềm năng.

Những mầm bơ Hass ghép đầu tiên được đưa từ Úc về đã ra hoa.
Những mầm bơ Hass ghép đầu tiên được đưa từ Úc về đã ra hoa.

Được biết, trong những năm gần đây, bơ Hass đang được du nhập về trồng ở một số vùng ở nước ta, những lứa cây đầu tiên đã cho trái. Theo đánh giá của một số người tiêu dùng trong nước, chất lượng bơ Hass trồng tại Việt Nam không khác gì bơ nhập từ thị trường Úc. Hiện nay, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chính, phối hợp với Viện nghiên cứu Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Công ty cà phê An Thái, Công ty TNHH Trịnh Mười và các ngành liên quan nghiên cứu tiến hành trồng thử nghiệm giống bơ Hass của Úc, đồng thời xây dựng một chiến lược và quy hoạch vùng trồng bơ của tỉnh...

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc