Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) ở khu vực nông thôn đã hoạt động có hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên địa bàn huyện Krông Năng hiện có 36 HTX đang hoạt động, trong đó 23 HTX nông nghiệp, 10 HTX thương mại, dịch vụ, 2 HTX xây dựng và 1 HTX vận tải. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện, nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên.
Sản xuất khăn thổ cẩm tại HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông, TP. Buôn Ma Thuột. |
Bên cạnh đó, thông qua việc tham gia HTX liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, nông dân đã thay đổi tư duy trong sản xuất, từ việc không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, đến áp dụng quy trình kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng sản phẩm và bảo đảm môi trường trong canh tác. Đơn cử như HTX sản xuất nông nghiệp thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi (xã Ea Púk) thành lập năm 2012, hiện có 227 thành viên, trong đó 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, canh tác 360 ha cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, FLO tại các xã Ea Tam và Ea Púk. Anh Y Nô Niê (thôn Giang Minh, xã Ea Púk) canh tác 2 ha cà phê, là thành viên của HTX từ ngày đầu thành lập. Từ khi tham gia HTX, anh đã thay đổi thói quen sản xuất theo kinh nghiệm sang áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu chăm sóc, tưới nước, bón phân đến thu hái, bảo quản, nên năng suất cà phê tăng lên khoảng 10 – 15% so với trước đây. Theo ông Vũ Đức Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, từ năm 2014, đơn vị đã liên kết với các doanh nghiệp rang xay, xuất khẩu cà phê tiêu thụ sản phẩm với giá tối thiểu là 40,5 triệu đồng/tấn và hỗ trợ thêm gần 10 triệu đồng/tấn tiền phúc lợi, nên thành viên yên tâm với gắn bó với HTX với thu nhập bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, người dân địa phương còn được thụ hưởng từ các công trình phúc lợi xã hội do HTX đầu tư bằng quỹ phúc lợi cà phê.
Mía chất lượng cao của HTX dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình, huyện Krông Bông. |
Trong khi nhiều HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp loay hoay với việc tổ chức sản xuất kinh doanh thì HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn “sống khỏe” nhờ tâm huyết của những phụ nữ Êđê nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm. HTX thành lập năm 2003, hiện có 45 thành viên góp vốn, thu hút 100 lao động đều là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bên cạnh duy trì dệt thủ công, đơn vị đã đầu tư 8 máy dệt công nghiệp để tăng năng suất sản xuất, đồng thời cải tiến mẫu mã, hoa văn sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chị H’Yam B’Krông, Giám đốc HTX cho biết, tất cả thành viên, người lao động tại HTX trước đây đều thuộc diện nghèo, khi vào HTX, chị em được dạy nghề và có việc làm thường xuyên với thu nhập tối thiểu 2,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, việc duy trì hoạt động của HTX đã góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương và giữ gìn nghề truyền thống của đồng bào Êđê.
Theo ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, nhiều HTX khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số hoạt động hiệu quả, qua đó góp phần thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động. Tuy nhiên, nhiều HTX khu vực này đang gặp khó khăn do quy mô nhỏ, phương án sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả, thiếu vốn, quỹ đất và cán bộ quản lý, kỹ thuật. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển HTX, trong đó ưu tiên các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua nguồn ngân sách và kinh phí của các dự án hợp tác công tư.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể đến năm 2020, tỉnh sẽ bố trí 1 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp nhận khoán đất của các công ty nông, lâm nghiệp và nhận đất hoang hóa, đồi núi trọc phục vụ sản xuất. |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc