Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

08:48, 30/01/2018

Với khát vọng và ý chí của tuổi trẻ, nhiều đoàn viên, thanh niên huyện Ea H’leo đã vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên đồng đất quê hương.

Anh Lê Quang Thi (SN 1986) ở xã Ea Ral, học ngành Điện Công nghiệp Trường Đại học Công nghiệp 4 (TP. Hồ Chí Minh). Năm 2009, Thi tốt nghiệp và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Trong một lần về thăm nhà được bố mẹ gợi ý, Thi quyết định về quê lập nghiệp.

Thời gian đầu, Thi trồng hồ tiêu xen canh cà phê trên diện tích 0,4 ha của gia đình. Năm 2011, được sự hỗ trợ của bố mẹ cùng với số tiền tích lũy trong mấy năm đi làm, Thi quyết định mở đại lý mua bán phân bón và nông sản. Không dừng lại ở đó, anh còn tìm hiểu một số mô hình công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và dồn hết vốn lắp đặt hệ thống chế biến cà phê quả tươi (loại nông hộ).

Anh Lê Quang Thi (bìa phải) giới thiệu quy trình hoạt động của hệ thống  máy chế biến cà phê quả tươi.
Anh Lê Quang Thi (bìa phải) giới thiệu quy trình hoạt động của hệ thống máy chế biến cà phê quả tươi.

Ý thức được tầm quan trọng của sản xuất sạch đối với sự phát triển bền vững, Thi tiến hành lắp đặt hệ thống xử lý nước thải để bảo vệ môi trường. Hiện hệ thống chế biến cà phê quả tươi của Thi bắt đầu đi vào hoạt động và anh có ý định cùng với người dân trong vùng chung tay sản xuất chế biến cà phê sạch. Thi chia sẻ: “Nếu chỉ làm và bán cà phê thì hiệu quả không cao, nhưng nếu chế biến cà phê thành những sản phẩm như: cà phê bột, kẹo cà phê… thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhiều. Mơ ước của tôi là có thể chế biến và sản xuất thành công cà phê bột mang thương hiệu của vùng quê Ea Ral”. 

Còn với anh Vũ Đức Cường ở thôn 8 (xã Ea Khanh) luôn ấp ủ ước mơ xây dựng một trang trại khép kín vườn – ao – chuồng (VAC) để phát triển kinh tế. Năm 2011, tốt nghiệp ngành Kế toán, Trường Đại học Kinh tế Bình Dương, Cường về quê lập nghiệp. Được gia đình ủng hộ, Cường quyết định xây dựng mô hình VAC trên 2 ha đất của gia đình. Với thuận lợi gần nguồn nước hồ Ea Khanh, anh đào 5 sào ao nuôi cá; đồng thời xây dựng trang trại nuôi heo theo mô hình khép kín. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên lứa heo, cá đầu tiên không được như mong muốn. Không nản chí, Cường tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật chăm sóc cá và heo. Bên cạnh đó, anh còn trồng thêm 800 cây cà phê xen canh với 800 cây hồ tiêu. Cường phân tích: “Ưu điểm của mô hình này là tận dụng triệt để nguồn nước, thức ăn và phân chuồng từ hệ thống nuôi heo khép kín, ao nuôi cá để bổ trợ cho vườn cà phê tiêu và ngược lại”.

Với mô hình trang trại này, mỗi năm sau khi trừ đi chi phí Cường thu về hơn 500 triệu đồng. Anh tự tin chia sẻ: “Đa phần thanh niên nông thôn không có việc làm phải đi làm xa, nên đất sản xuất bỏ hoang không khai thác triệt để. Nếu phát huy tốt thế mạnh của địa phương và áp dụng mô hình kinh tế phù hợp sẽ mang lại hiệu quả không nhỏ”.

Anh Vũ Đức Cường (trái) đang trao đổi về chương trình khởi nghiệp.
Anh Vũ Đức Cường (trái) đang trao đổi về chương trình khởi nghiệp.

Thi và Cường chỉ là hai trong số nhiều thanh niên của huyện Ea H’leo đã lập nghiệp thành công trên quê hương của mình. Để tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp, thời gian qua Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Ea H’leo đã thực hiện nhiều hoạt động, chương trình để tạo cơ hội và định hướng cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp như: phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, khuyến nông, khuyến lâm; vận động những thanh niên làm kinh tế giỏi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất; duy trì các tổ hùn vốn, tổ đổi công tại các xã Dliê Yang, Ea Hiao, Ea H’leo, Ea Nam...

Tuy nhiên, việc khởi nghiệp của thanh niên hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, thông tin về thị trường không được cập nhật thường xuyên… Anh Bế Đình Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Ea H’leo bày tỏ: “Hội rất mong muốn được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp của tuổi trẻ, như: tạo cơ hội cho thanh niên tiếp cận vốn ưu đãi; xây dựng mô hình khởi nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, gắn với dự báo thị trường đầu ra sản phẩm để từ đó giúp đoàn viên, thanh niên có thêm kinh nghiệm thực tiễn áp dụng, làm theo và phát triển các mô hình, tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả...”.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc