Làm giàu từ hai bàn tay trắng
Năm 1987, anh Đào Văn Ngọc và chị Mai Thị Hoa từ quê hương Thanh Hóa vào xã Yang Reh (huyện Krông Bông) lập nghiệp.
Xã Yang Reh ngày ấy là vùng núi khô cằn chưa có đường nhựa; người dân trong vùng chủ yếu lên rừng lấy củi, xuống suối mò tôm bắt cá, đời sống nghèo nàn, văn hóa lạc hậu. Đứng trước đồi núi bao la, anh Ngọc xót lòng vì đồng ruộng bỏ không, cỏ mọc um tùm, còn chị Hoa ứa nước mắt không muốn ở lại nơi vùng núi khô cằn. Nhưng anh Ngọc quyết định “cắm chốt” tại mảnh đất khô cằn này bắt đầu một cuộc sống mới với quyết tâm “sẽ làm giàu trên mảnh đất này”.
Niềm vui của vợ chồng anh Ngọc, chị Hoa trong ngôi nhà khang trang. |
Thời gian đầu cuộc sống vô cùng khó khăn. Ban ngày, anh Ngọc đi vác đá thuê, còn chị Hoa theo người dân bản xứ xuống suối mò tôm cá về bán cho những người làm trong xưởng đá. Tranh thủ chiều tối, vợ chồng đến nhà dân xin tre, gỗ về dựng nhà ở tạm. Sau gần một tháng, từ chỗ phải ở nhờ, anh chị đã dựng được căn nhà tre ở tạm trên mảnh đất bằng phẳng giữa sườn đồi. Tận dụng lợi thế triền đồi bằng phẳng, chị Hoa cuốc đất trồng rau ngót, bí đỏ, đu đủ. Thấy vợ “mát tay” trồng rau, anh Ngọc nghĩ cách kiếm thêm thu nhập bằng nấu rượu nuôi heo thịt. Lứa heo đầu tiên anh bán được gần 3 triệu đồng sau 3 tháng chăm sóc. Sau lứa heo đầu tiên, anh Ngọc học nấu rượu để tận dụng hèm rượu nuôi heo, phân heo làm hố biogas. Nhờ nuôi heo, thu nhập của gia đình anh chị dần ổn định.
Hiện nay, ngoài nuôi heo, anh Ngọc còn nuôi bò và khai thác đá chẻ với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Việc khai thác đá của anh còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với nguồn thu nhập ổn định. Sau 30 năm lập nghiệp ở miền sơn cước, vợ chồng anh Ngọc đã chọn Krông Bông là quê hương thứ hai. Ba người con của anh chị cũng được học hành, có việc làm ổn định và trưởng thành từ mảnh đất nghèo khó này. Vợ chồng anh chị cũng đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang.
Mai Thắng
Ý kiến bạn đọc