Multimedia Đọc Báo in

Mùa vui trên "thủ phủ" cam, quýt Buôn Đôn

08:05, 03/01/2018

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Buôn Đôn đã mạnh dạn đưa cây cam, quýt vào trồng trên những vùng đất cằn cỗi, bạc màu. Dù là những cây trồng mới nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. 

Chúng tôi tới thăm gia đình ông Triệu Hùng ở thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl) người tiên phong đưa cây cam, cây quýt về trồng ở vùng đất này. Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà mới rộng rãi, khang trang được xây dựng sau những mùa cam, quýt bội thu, ông nhớ lại: Năm 2009, sau khi nhường đất để xây dựng nhà máy thủy điện, gia đình ông được bố trí 2 ha đất sản xuất ở đây. Những năm đầu, ông trồng sắn, cà phê nhưng do đất ở đây xấu (đất cát pha sỏi) nên củ sắn chỉ bằng ngón chân cái, cây cà phê còi cọc, ít trái. Chính vì vậy, gia đình ông dù làm quần quật cũng chỉ đủ ăn, làm gì dám nghĩ đến việc tích góp xây nhà cửa.

Vườn quýt của anh Đoàn Duy Hiếu, thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn).
Vườn quýt của anh Đoàn Duy Hiếu, thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn).

Năm 2012, ông Hùng gặp một người ở miền Tây lên khu vực này thuê đất trồng quýt, nghe người này giải thích vì sao chọn nơi đây để thuê đất, ông bắt đầu tìm kiếm thông tin, đi học tập các mô hình trồng quýt ở một số địa phương. Sau đó, ông mạnh dạn chặt bỏ 1 ha cà phê, trồng thay vào đó bằng những cây quýt. Nhìn ông đốn hạ những cây cà phê, nhiều người tiếc nuối và tỏ ra hoài nghi với sự thành công của cây quýt mà ông sẽ trồng thay thế. Sau chưa đầy 3 năm xuống giống, cây quýt đã cho thu hoạch vụ đầu, năng suất khoảng 25-30 tấn, với giá bán khoảng 20 nghìn đồng/kg, thu được khoảng 500 triệu đồng. Với hiệu quả mang lại, ông Hùng mở rộng thêm diện tích trồng quýt và cam sành, đến nay, gia đình ông đã trồng được 2,8 ha cam, quýt. Theo ông Hùng, chi phí đầu tư 1 ha cam, quýt từ khi xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 200 triệu, với năng suất, giá bán như hiện nay thì vụ đầu tiên đã có lãi. Những năm sau, khi cây cam, quýt đã đi vào thời kỳ kinh doanh ổn định mức đầu tư sẽ giảm xuống chỉ còn 30 triệu đồng/ha/năm. “Ở vùng đất này, đến nay chưa có loại cây nào mang lại hiệu quả kinh tế như cây cam, cây quýt”, ông Hùng đánh giá.

Từ thành công của gia đình ông Hùng, nhiều người dân trong thôn Tân Phú đã chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng sang trồng cam, quýt. Bên trong vườn quýt rộng 1,5 ha trĩu quả cho thu hoạch vụ đầu tiên, anh Đoàn Duy Hiếu không giấu được niềm vui: Năm nay giá quýt giảm còn khoảng 14 nghìn đồng/kg, nhưng so với những cây trồng khác thì trồng quýt vẫn mang lại thu nhập khá. Dù vậy, người trồng quýt mong muốn chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm cam, quýt của địa phương, tạo đầu ra ổn định để yên tâm sản xuất.

Huyện Buôn Đôn hiện có khoảng 1.000 ha cam, quýt tập trung ở các xã Ea Nuôl, Ea Huar, Krông Na với năng suất bình quân khoảng 25-30 tấn/ha.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tân Phú hiện trong thôn có khoảng 120 ha cam, quýt nhưng việc tiêu thụ, giá cả vẫn phụ thuộc vào thương lái, chưa có đối tác bao tiêu sản phẩm tin cậy. Trong thời gian tới, thôn dự kiến vận động bà con trồng cam quýt thành lập tổ hợp tác, để tập trung nguồn lực quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường.

Chính nhờ lợi nhuận mang lại, khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích trồng cam quýt ở huyện Buôn Đôn được mở rộng nhanh chóng. Tuy nhiên, địa phương cũng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng thêm diện tích nhằm tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN- PTNN huyện Buôn Đôn cho biết, là cây trồng mới nhưng cam, quýt phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt. Mới đây, huyện hỗ trợ 8 hộ dân xây dựng mô hình trồng cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần tạo uy tín, thương hiệu cho sản phẩm. Ngoài ra, trong thời gian tới địa phương cũng sẽ chú trọng quảng bá rộng rãi sản phẩm cam, quýt; tìm kiếm, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp để làm cầu nối giúp bao tiêu sản phẩm cho người trồng.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc