Ngành Nông nghiệp một năm vượt khó
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2017 thời tiết trên cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng biến đổi bất thường, mưa trái mùa kéo dài đã tác động xấu đến ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ bám sát diễn biến thời tiết, chủ động sản xuất mà toàn ngành đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo số liệu của Sở NN-PTNT tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh năm 2017 là hơn 648.000 ha, đạt 110% kế hoạch, trong đó cây hằng năm hơn 330.600 ha (đạt 107% kế hoạch), tăng hơn 12.700 ha so với năm 2016. Tổng sản lượng lương thực cả năm đạt hơn 1,24 triệu tấn, đạt 107% kế hoạch, tăng hơn 71.800 tấn. Cây lâu năm khoảng 317.500 ha, đạt 113% kế hoạch, tăng hơn 2.180 ha. Trong năm, toàn tỉnh chuyển đổi được 11.780 ha đất lúa, màu kém hiệu quả sang trồng khoai lang Nhật, thức ăn gia súc, cây ăn quả, dược liệu...
Vườn sầu riêng cao sản tại huyện Krông Pắc. |
Theo đánh giá của sở, chính việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là đưa các giống lúa lai, lúa xác nhận vào sản xuất như Đài thơm 8, AC 15, HT1, OM4900... đồng thời áp dụng đúng kỹ thuật thâm canh mà năng suất lúa vụ đông xuân 2016-2017 tăng vượt trội. Cụ thể như huyện Ea Kar đạt gần 8 tấn/ha, Krông Ana gần 7,5 tấn/ha, Krông Pắc hơn 7,2 tấn/ha, Ea Súp gần 7 tấn/ha… góp phần đưa sản lượng lúa của tỉnh tăng cao. Mặt khác, giống lúa mới có chất lượng cao hơn nên phẩm cấp gạo thành phẩm cũng được nâng cao, giá bán cao hơn với các loại gạo khác từ 500-1.000 đồng/kg tùy loại.
Với lĩnh vực chăn nuôi, do tác động của yếu tố cung cầu, giá cả giảm mạnh khiến tổng đàn gia súc, gia cầm giảm, nhưng lại hình thành các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, bền vững đạt tiêu chuẩn VietGAP như trang trại nuôi heo của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh Phát (Buôn Đôn), Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại cám Fukoku Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột). Các mô hình chăn nuôi này được xây dựng theo chuỗi khép kín từ trang trại đến con giống, thức ăn... giúp heo sinh trưởng ổn định, cách ly hiệu quả với nguồn trung gian lây bệnh nên hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Nhờ đó các sản phẩm thịt heo bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và được kết nối theo chuỗi từ nông trại đến các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Từ mô hình chuỗi này, người chăn nuôi đã dần thay đổi cách làm từ chạy đua theo năng suất chuyển sang sản xuất có chọn lọc theo hướng chất lượng cao và bám sát thị trường.
Chế biến cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi. |
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp năm 2017 tăng 6,7% so với năm 2016. Trong đó, nông nghiệp tăng 6,5%, lâm nghiệp tăng 11,7%, thủy sản tăng 16,3% đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 4,25%. |
Nông nghiệp là ngành kinh tế chính của tỉnh, năm 2018 lại là năm giữa nhiệm kỳ kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2016-2020), do đó ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt mục tiêu đưa giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 4,5%. Để đạt kết quả đó, ngành đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu một số sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng nông thôn mới như cà phê, hồ tiêu, trái cây…; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên sản xuất các nông sản thị trường cần, có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông lâm thủy sản… Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng theo sự gia tăng dân số là cơ hội để ngành phát triển. Tuy nhiên, xu thế của người tiêu dùng cũng yêu cầu cao hơn về chất lượng, đặc biệt là thị trường quốc tế, trong khi đó các sản phẩm nông nghiệp chính của Đắk Lắk hiện nay chủ yếu tập trung cho xuất khẩu do đó thời gian tới ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc