Nguồn cung heo thịt cho Tết Nguyên đán: Người chăn nuôi e ngại tăng đàn
Sau đợt “vỡ trận” heo Tết hồi cuối năm 2016 và tình trạng giá heo thịt xuống thấp kéo dài đến thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2018 khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị lỗ nặng, người dân e ngại không dám tái đàn hoặc tăng quy mô chăn nuôi để cung ứng thực phẩm cho dịp Tết.
Hằng năm, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, người chăn nuôi heo ở huyện Ea Kar lại tăng cường tái đàn để cung ứng cho thị trường Tết. Nhưng với giá heo hơi như hiện nay (dao động từ 28-30.000 đồng/kg), theo tính toán của người dân, mỗi con heo có trọng lượng 100 kg xuất chuồng, người nuôi sẽ lỗ khoảng 700.000 đồng. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã quyết định “xả chuồng” dù trước đó đã đầu tư chi phí khá lớn cho việc xây dựng chuồng trại. Những hộ tái đàn thì cũng chỉ nuôi cầm chừng, không dám mở rộng chăn nuôi mà còn phải giảm đàn xuống rất nhiều.
Số lượng heo của trang trại gia đình anh Phạm Xuân Toàn (thôn 6, xã Xuân Phú) đã giảm đi một nửa. |
Anh Phạm Xuân Toàn (thôn 6, xã Xuân Phú) cho biết, những năm trước, vào thời điểm này gia đình thường nuôi trên 120 con heo thịt, nhưng lúc này đàn heo đã giảm xuống một nửa chỉ còn 60 con. Khu chuồng trại rộng 140 m2, có 6 chuồng nhưng nay đã phải bỏ trống 3 chuồng. Những năm trước, mỗi đợt heo xuất chuồng đều thu lãi, có vốn để tiếp tục tái đàn, tuy nhiên từ cuối năm 2016 đến nay, giá heo liên tục giảm nên đợt nào anh cũng phải bù lỗ. Dù biết, với giá cả hiện tại càng nuôi càng lỗ, nhưng vì đã lỡ đầu tư một khoản tiền lớn để xây dựng chuồng trại, bỏ thì tiếc nên anh đành phải bán đi một phần đất ở để trả nợ số tiền đã vay ngân hàng trước đó và có vốn để duy trì đàn, hy vọng vào dịp Tết thị trường sẽ tốt hơn. Cùng cảnh ngộ, gia đình ông Bùi Văn Soa (xã Xuân Phú) thường nuôi 40-50 heo mỗi đợt. Nhưng hơn một năm qua, việc chăn nuôi của gia đình ông liên tục bị thua lỗ nên đến thời điểm hiện tại ông Soa không còn vốn để tái đàn. Ông chỉ dám để lại 2 con heo nái để duy trì giống. Ông Soa cho hay, hiện gia đình có 20 heo con định bán nhưng quá rẻ, chỉ 200-300.000 đồng/con (lỗ 1 triệu/con so với trước đây) nên đành để lại nuôi.
Theo ông Hoàng Công Nhiên, Phó Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ea Kar, từ cuối năm 2016 đến nay, giá heo lên xuống thất thường nhưng vẫn ở giá thấp, khiến cho nhiều người chăn nuôi lỗ nặng. Nhất là đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, họ không còn khả năng để tái đàn, trong khi đó các nguồn vốn vay phục vụ cho công tác chăn nuôi gần như đóng băng, các đại lý kinh doanh thức ăn gia súc cũng e dè trong việc cho người dân nợ gối đầu. Hiện, tổng đàn heo của huyện có gần 94.000 con, chỉ đạt 58,6% theo kế hoạch đề ra (giảm khoảng 30% so với các năm trước) và có chiều hướng tiếp tục giảm.
Một trang trại nuôi heo ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột. |
Trên địa bàn xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), tình hình chăn nuôi cũng không khá hơn. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, cán bộ Thú y xã cho biết, tổng đàn heo trên địa bàn xã khoảng 4.400 con, giảm khoảng 300 con so với cùng kỳ năm 2016. Hiện heo thịt còn khá ít, chiếm khoảng 30% trong tổng đàn, chủ yếu người chăn nuôi duy trì con nái và nuôi heo con (do giá rẻ người dân không bán mà để lại nuôi). Đợt giảm giá kỷ lục trong thời gian qua là một “đòn đau” đối với người chăn nuôi khiến họ rụt rè hơn trong đầu tư tăng đàn để cung ứng thực phẩm trong dịp Tết.
Sở NN-PTNT cho biết, trong năm 2018, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu duy trì ổn định đàn heo ở mức 734.000 con ; điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường, bảo đảm tiêu thụ kịp thời với giá có lãi cho người chăn nuôi. Tiếp tục chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình gia trại, trang trại; duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, liên kết theo chuỗi và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất… |
Riêng trên địa bàn huyện Cư Kuin, quy mô đàn heo tương đối ổn định hơn, với trên 48.500 con (tương đương với tổng đàn năm 2016), do chăn nuôi heo tập trung chủ yếu ở 35 trang trại gia công. Theo Phòng NN-PTNT huyện, tình trạng giá heo xuống thấp kéo dài khiến chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn Cư Kuin gần như là “xóa sổ”, các hộ dân chủ yếu chăn nuôi phục vụ nhu cầu của gia đình. Riêng các trang trại gia công dù không bị ảnh hưởng về giá nhưng do thời gian chờ xuất bán cho công ty kéo dài nên cũng gặp không ít khó khăn. Nếu như trước đây, một năm bình quân các trang trại xuất chuồng 2 đợt thì năm nay mới xuất được có 1 đợt nên chi phí tăng cao, lợi nhuận gần như không có; lứa heo kế tiếp cũng vừa mới tái đàn, không kịp để xuất bán trong dịp Tết.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, năm 2017 tổng đàn heo giảm mạnh (trên 136.550 con) so với năm 2016. Nguyên nhân là do năm 2017 chăn nuôi gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, đặc biệt là giá heo thịt giảm sâu, người chăn nuôi bị thua lỗ nặng nên không đầu tư tăng đàn hoặc tái đàn, chủ yếu tập trung ở các hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ. Do đó, các ngành chức năng cần có những chính sách hỗ trợ để giúp người chăn nuôi tái đàn, xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn dịch bệnh cũng như sớm quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung để nâng cao giá trị chăn nuôi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.
Minh Thuận – Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc