Multimedia Đọc Báo in

Những phụ nữ vượt khó, làm kinh tế giỏi

08:04, 03/01/2018

Trong những năm qua, phong trào phụ nữ thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo đã được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Từ các mô hình phát triển kinh tế đã có nhiều hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Trước đây, hoàn cảnh gia đình chị H’Nguyên Êban (thường gọi là Amí Xuyên), ở xóm 1, buôn Ea Na, xã Ea Na (huyện Krông Ana) rất khó khăn. Nhà chỉ có 3 sào ruộng nhưng mùa màng thất thường, năm được năm mất, chồng chị là bệnh binh nay ốm mai đau nên một mình Amí Xuyên phải gánh vác hết công việc gia đình. Chị đi làm thuê đủ mọi việc nhưng vẫn không đủ trang trải sinh hoạt cho gia đình và nuôi con ăn học.

Năm 2006, nhờ chương trình cho phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Krông Ana, gia đình Amí Xuyên được vay 6 triệu đồng. Cùng với số tiền 1 triệu đồng do các thành viên trong Chi hội phụ nữ buôn hỗ trợ, chị đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi heo thịt siêu nạc. Ban đầu chị nuôi từ 3-4 con heo siêu nạc, sau mỗi lứa xuất chuồng chị bán được với giá 20 triệu đồng. Dần dần, chị nuôi tăng lên, mỗi năm việc nuôi heo mang lại cho chị nguồn thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Chỉ 3 năm sau, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, chị đã trả được hết số tiền vay từ Ngân hàng CSXH huyện. 

Chị Amí Xuyên chăm sóc đàn heo của gia đình.
Chị Amí Xuyên chăm sóc đàn heo của gia đình.

Ngoài nuôi heo siêu nạc, Amí Xuyên còn tích lũy tiền mua được 1,5 ha cà phê và mua thêm đất ruộng để canh tác. Hiện nay, mỗi năm trừ hết đi mọi chi phí, gia đình chị có thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Chị đã xây dựng được nhà cửa khang trang, con cái trưởng thành và có việc làm ổn định. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Amí Xuyên còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho các chị em khác trong buôn và sẵn sàng cho các chị em mượn vốn để sản xuất.

Gia đình chị Phạm Thị Ngọc, hội viên Chi hội phụ nữ thôn 3, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) cũng đi lên từ hoàn cảnh rất khó khăn. Chỉ có 2 sào đất cùng với 2 sào ruộng do UBND xã cho mượn, vợ chồng chị vừa chịu khó lao động vừa tiết kiệm chi tiêu dành dụm mua thêm đất đai canh tác.

Năm 2003, được chị em trong tổ tiết kiệm xét cho mượn 2 triệu đồng không tính lãi và vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, chị Ngọc quyết định đầu tư vào chăn nuôi heo để có thêm nguồn thu nhập. Những năm đầu, chị chỉ nuôi từ 10-20 con heo thịt, đồng thời nuôi thêm gà, vịt… Ngoài ra, chị còn trồng 7 sào lúa nước hai vụ và 1,2 ha sắn. Chị còn dành dụm tiền để mua heo nái về gây giống. Để sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do Hội Phụ nữ xã, huyện tổ chức và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi khác.

Đến năm 2010, chị Ngọc mua thêm đất, từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng trang trại tổng hợp với đầy đủ các loại hình. Hiện nay, gia đình chị nuôi 18 con heo nái, 40 con heo thịt, 50 gà thả vườn, 600 con vịt, 1 con bò. Chị còn mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi, vừa có thêm thu nhập, vừa có điều kiện giúp đỡ những hội viên phụ nữ khác bằng cách cho mua nợ đến khi bán thành phẩm thì mới trả tiền mà không lấy lãi. Công việc chăm sóc và gây giống cho vật nuôi do tự tay chị làm, toàn bộ thức ăn như rau xanh, cám ngô… chị trực tiếp tăng gia hoặc mua của bà con. Quy mô hệ thống chuồng trại của gia đình chị luôn sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh, thức ăn cho heo được chế biến đúng kỹ thuật phù hợp theo tháng tuổi của heo nên đàn heo của gia đình chị luôn khỏe mạnh.

Hiện nay, mô hình trang trại tổng hợp mang lại cho gia đình chị Ngọc nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Kinh tế ổn định, chị có điều kiện lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Chị Ngọc còn tích cực tham gia công tác Hội Phụ nữ ở địa phương, nhiều năm liền được biểu dương là gương phụ nữ điển hình về phát triển kinh tế. 

Kim Ngân – Nguyễn Hương


Ý kiến bạn đọc