Multimedia Đọc Báo in

Phát triển điện năng lượng mặt trời: Cần sớm tháo gỡ những "nút thắt" (Kỳ 2)

09:04, 16/01/2018

Kỳ 2: Cần thêm những “cú hích” từ chính sách

Theo các doanh nghiệp (DN), đầu tư điện năng lượng mặt trời tại Đắk Lắk hiện có những vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng; phương án đấu nối và quy trình thủ tục...

Những khó khăn hiện hữu

Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Hòa Trần Tiến Lợi - đơn vị đang được UBND tỉnh cho khảo sát, lập dự án (DA) điện năng lượng mặt trời tại tiểu khu 293 xã Cư M’lan – khẳng định, việc đầu tư lĩnh vực điện năng lượng mặt trời tại Đắk Lắk, DN nhận được nhiều ưu đãi. Tuy vậy, quy định giá bán điện 2.086 đồng/kWh đối với các DA đấu nối trước 30-6-2019 là thách thức, lo lắng của nhiều nhà đầu tư. Theo ông Lợi, giá bán điện là 2.086 đồng/kWh thì các DN sau khi hòa lưới vẫn sẽ có lời, nhưng từ nay đến 30-6-2019 phải hoàn thiện tất cả quy trình thủ tục, thi công sẽ rất thử thách. “Muốn có hợp đồng mua bán điện, DN phải khảo sát, làm hồ sơ thiết kế chi tiết và quan trọng nhất dự án phải được Bộ Công thương, Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Để hoàn thiện hàng loạt thủ tục, thi công lắp đặt cho dự án chỉ trong khoảng 1 năm rưỡi là hết sức khó khăn” – ông Lợi phân tích.

Khó khăn trên là có thật, các nhà đầu tư đang gấp rút để hoàn thành DA trước thời điểm 30-6-2019 (để hưởng giá bán điện 9,35cent/kWh). Tuy nhiên, đến nay tất cả các DA chưa được Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch. Vì thế nhiều DN lo ngại sẽ không hoàn thành để hưởng giá bán điện nêu trên, không đạt lợi nhuận như tính toán ban đầu.

Một khó khăn khác mà các nhà đầu tư băn khoăn là mặc dù đã có quy hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời tại khu vực Ea Súp và Buôn Đôn, nhưng đến nay tỉnh chưa đầu tư hệ thống đấu nối điện tại đây. Nếu khi các DA hoàn thành, nhưng phải đấu nối, bán điện về huyện Cư M’gar hoặc Krông Búk sẽ tăng chi phí đầu tư, tăng tổn thất điện năng của DN, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của DA. “Vì vậy, song song với việc đẩy nhanh các bước thủ tục, tỉnh Đắk Lắk sớm triển khai hệ thống hạ tầng điện 220KV để các dự án khu vực này hòa lưới sau khi hoàn thành” – ông Lợi đề nghị.

Chòi rẫy của người dân trên đất dự kiến làm các dự án điện năng lượng mặt trời tại xã Cư M'lan (Ea Súp).
Chòi rẫy của người dân trên đất dự kiến làm các dự án điện năng lượng mặt trời tại xã Cư M'lan (Ea Súp).

Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư

Theo UBND tỉnh, việc phát triển điện năng lượng mặt trời tại tỉnh là một chủ trương lớn, DN được khuyến khích, tạo mọi điều kiện. Tuy nhiên việc đưa vào quy hoạch điện lực quốc gia, tỉnh hoặc quy định giá bán điện đều do Bộ Công thương, Chính phủ quyết định. Giá bán điện hiện đã công bố, có lộ trình giảm nên nhiều nhà đầu tư đăng ký vì tính toán sẽ có lời. Một số DN đầu tư điện năng lượng mặt trời tấm nổi (trên hồ thủy lợi, thủy điện) đang tính toán lại vì kinh phí đầu tư lớn. Do đó, tỉnh đang cùng với các DN có những đề xuất lên Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan để bảo đảm tiến độ đầu tư, hòa lưới điện cho các DA.

Liên quan đến hệ thống đấu nối, truyền tải cho các DA điện mặt trời, Giám đốc Sở Công thương Phạm Thái thông tin, Bộ Công thương đã phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035. Trong đó, mục tiêu phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và phân phối là nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đảm bảo cung cấp điện an toàn. Theo đó, giai đoạn đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ xây dựng mới 1 trạm biến áp 500kV tại huyện Ea Súp với cấp điện áp 500/220/110kV; 1 trạm biến áp 220kV Krông Ana; 9 trạm biến áp 110kV, 16 đường dây truyền tải điện 110kV; cải tạo nâng công suất 5 trạm biến áp; cải tạo nâng tiết diện 5 đường dây 110kV. Giai đoạn 2021-2025 sẽ quy hoạch 1 trạm biến áp 500kV Cư M’gar với cấp điện áp 500/220/110kV; xây dựng mới 2 trạm biến áp 110kV; cải tạo xây dựng mới 3 đường dây 110kV.

Với định hướng quy hoạch lưới điện đã được Bộ Công thương phê duyệt, các nguồn điện mặt trời trên địa bàn tỉnh sẽ đấu nối truyền tải lên các đường dây truyền tải điện 110kV, 220kV, 500kV để cung cấp điện cho tỉnh và cung cấp điện cho miền Nam đang thiếu điện.

Rõ ràng, nhà đầu tư, địa phương đã có những nỗ lực nhất định để đẩy nhanh tốc độ xúc tiến đầu tư điện năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, những nỗ lực đó gần như là chưa đủ nếu thiếu những “cú hích” từ chính sách vĩ mô.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc