Multimedia Đọc Báo in

Thêm kỳ vọng giảm lãi suất

08:46, 18/01/2018

Ngay từ đầu năm 2018, nhiều tín hiệu tích cực từ phía các ngân hàng đã thắp lên hy vọng giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay. Chẳng hạn, theo biểu lãi suất của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lãi suất tối đa ở các lĩnh vực ưu tiên đã được điều chỉnh về mức tối đa 6%/năm. Quan trọng hơn, theo đại diện Vietcombank Chi nhánh Đắk Lắk, việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay không chỉ áp dụng ở các khoản vay mới mà còn được áp dụng với cả các khoản cho vay trước đó nếu thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Kế đến, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) cũng công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ tối đa 6,5%/năm xuống còn tối đa 6%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8%/năm xuống còn từ 7,5%/năm đối với các khách hàng thuộc 5 đối tượng ưu tiên và có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

Cán bộ Agribank Đắk Lắk thẩm định hiệu quả sử dụng vốn vay tại huyện Ea Kar.
Cán bộ Agribank Đắk Lắk thẩm định hiệu quả sử dụng vốn vay tại huyện Ea Kar.

Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), gói lãi suất thấp nhất thậm chí còn được áp dụng chỉ từ 5%/năm dành cho đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ (đối với khoản vay có thời hạn tối đa một tháng); lãi suất từ 6%/ năm áp dụng cho các khách hàng mới với thời gian ưu đãi ngắn hạn tối đa 3 tháng; lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm với thời gian ưu đãi lãi suất 12 tháng kể từ ngày giải ngân.

Đối với nhóm khách hàng thông thường, Vietinbank áp dụng cho vay ngắn hạn lãi suất từ 7%/năm với thời gian ưu đãi tối đa 3 tháng; cho vay trung, dài hạn từ 9%/năm và thời gian áp dụng 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Một cán bộ tín dụng của Vietinbank Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, đây là mức lãi suất thấp nhất của ngân hàng này trong vài năm gần đây. Một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã thông báo, kể từ ngày 15-1, ngân hàng này sẽ điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ xuống mức tối đa 6%/năm, áp dụng đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Bên cạnh đó, BIDV tiếp tục triển khai các gói tín dụng cạnh tranh quy mô lớn với lãi suất ưu đãi dành cho các đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề theo định hướng ưu tiên của Chính phủ với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Khách hàng  giao dịch tại Agribank Đắk Lắk.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Đắk Lắk.

Không chỉ các "ông lớn" công bố giảm lãi suất, các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ cũng đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ lãi suất ở các lĩnh vực ưu tiên như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với gói cho vay 15 nghìn tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi từ 6,8%/năm dành cho đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu về vốn vào dịp Tết... 

Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh Đắk Lắk, việc các ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay bên cạnh yếu tố hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ và NHNN, còn cho thấy nỗ lực của các ngân hàng này trong việc tiết giảm chi phí vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, xử lý nợ xấu... Đây là những điều kiện cần thiết để các ngân hàng giảm lãi suất trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, để tận dụng được tác động tích cực của việc giảm lãi suất này, bên cạnh việc đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên, quan trọng không kém là người vay phải bảo đảm tài chính lành mạnh, minh bạch.

Nhằm hỗ trợ thêm điều kiện để các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay, NHNN đã chính thức giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) từ 5%/năm xuống 4,75%/năm. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3-2014, NHNN điều chỉnh mức lãi suất này. Lần gần nhất, vào ngày 18-3-2014, NHNN giảm đồng loạt các lãi suất điều hành, trong đó lãi suất OMO giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.