Tìm hướng đi cho sản xuất cá giống ở Đắk Lắk
Cá giống Đắk Lắk từ lâu đã được nhiều người biết đến và rất ưa chuộng không chỉ trong khu vực Tây Nguyên mà còn ở các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế này, người sản xuất cá giống trên địa bàn tỉnh lại gặp không ít trở ngại.
Bị cạnh tranh không lành mạnh
Theo Chi cục Thủy sản, Đắk Lắk có hệ thống sông, hồ tự nhiên khá đa dạng lại được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và dòng chảy, các cơ sở sản xuất và các hồ san ương cá giống đều có nguồn nước thanh lọc tự nhiên nên việc sản xuất giống ít bị rủi ro về bệnh tật. Đặc biệt, khi thả nuôi thành cá thương phẩm, cá giống ở Đắk Lắk phát triển nhanh, tỷ lệ sống cao, năng suất đạt cao hơn cá ở các tỉnh khác, vì vậy rất được người dân khắp nơi ưa chuộng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở sản xuất, san ương cá giống, sản lượng cá bột, đạt trên 1 tỷ con, sản lượng giống khoảng 58 triệu con, các đối tượng sản xuất chủ yếu: trắm, trôi, mè, chép, rô phi và chim trắng. Đắk Lắk đang trở thành vùng sản xuất cá giống nước ngọt lớn nhất miền Trung - Tây Nguyên, cung cấp một lượng lớn cá bột và cá giống cho nhiều tỉnh, thành trong khu vực và các tỉnh miền Nam.
Hộ nuôi trồng và san ương giống thủy sản trên địa bàn xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột. |
Chính vì được thị trường ưa chuộng nên cá giống Đắk Lắk đang bị cá giống ở các tỉnh khác giả danh khiến nhiều hộ nuôi cá mua nhầm phải cá kém chất lượng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, san ương cá giống của người dân trên địa bàn tỉnh. Anh Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Trang (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, nhờ lợi thế của vùng nên quá trình ươm nuôi cá giống gặp nhiều thuận lợi. Mỗi năm cơ sở của anh cung cấp ra thị trường khoảng 400-500 triệu cá bột và trên 20 tấn cá giống. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường cá giống Đắk Lắk phải chịu sự cạnh tranh khá gay gắt của các loại cá giống ở các tỉnh phía nam. Điều đáng nói hơn là cá giống ở tỉnh khác đã giả danh cá giống Đắk Lắk để cho dễ bán và giá lại rẻ (do giá thành sản xuất thấp hơn ở Đắk Lắk) nên hút khách hàng hơn. Điều này đã khiến thị trường của cá giống Đắk Lắk mất ổn định và gây khó khăn cho người sản xuất, thiệt hại cho người nuôi trồng vì các giống cá ở nơi khác đến thường phát triển kém, năng suất thấp.
Theo Chi cục Thủy sản, rất khó để phân biệt các loại cá giống sản xuất ở những nơi khác nhau vì hình thức bên ngoài rất giống nhau, cũng không thể đóng dấu hàng hóa để truy suất nguồn gốc như các loại sản phẩm khác. Trong khi đó, lực lượng thanh, kiểm tra mỏng; kinh phí cho hoạt động này lại quá ít nên không thể kiểm soát cũng như quản lý tốt nguồn gốc con giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Hướng đến liên kết theo chuỗi
Để tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định, Chi cục Thủy sản xây dựng được 20 mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giống thủy sản (TP. Buôn Ma Thuột 13 mô hình; xã Cư Ni, huyện Ea Kar 7 mô hình). Những mô hình này được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí con giống, 50% vật tư và thức ăn, đồng thời Công ty TNHH MTV An Trang phối hợp làm mô hình sẽ thu mua con giống cho người dân.
Mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giống thủy sản ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. |
Tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) có 10 hộ tham gia thực hiện mô hình, với các loại cá giống: mè hoa, rô phi, trắm cỏ, cá chép. Sau 2 tháng san ương, chăm sóc, đàn cá giống phát triển tốt; lợi nhuận đạt từ 9-12 triệu đồng/mô hình. Ông Ngô Văn Đoan, hộ tham gia mô hình cho biết, Ea Kao là nơi có điều kiện rất thuận lợi để sản xuất cá giống nhưng do thị trường thiếu ổn định nên các hộ không nuôi chuyên canh, chủ yếu vừa nuôi cá thịt, vừa nuôi cá giống để bảo đảm nguồn thu nhập. Nếu mô hình chuỗi sản xuất này được duy trì và nhân rộng sẽ mở ra một hướng phát triển ổn định cho những hộ sản xuất cá giống nơi đây. Theo anh Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Trang, trên thực tế việc liên kết với người dân sản xuất cá giống thì công ty đã thực hiện từ khá lâu theo hình thức công ty sản xuất cá bột, giao cho các hộ dân san ương, sau đó công ty mua lại cá giống để bán ra thị trường. Mặc dù quy mô còn nhỏ nhưng bước đầu đã liên kết được các hộ lại để hình thành được vùng sản xuất chuyên canh, tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều. Là người lâu năm trong nghề, anh khẳng định, chất lượng cá giống ở các tỉnh khác không thể nào bằng Đắk Lắk nhưng do giá thành sản xuất cao hơn các tỉnh khác nên khó cạnh tranh. Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ người dân về truy suất nguồn gốc con giống, nếu không thủy sản Đắk Lắk sẽ thua ngay trên sân nhà. Còn các hộ tham gia mô hình thì cho rằng, việc liên kết sản xuất cần được thắt chặt hơn nữa, để người dân có định hướng rõ ràng trong sản xuất và thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm cấp giấy chứng nhận và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá giống Đắk Lắk.
Theo Chi cục Thủy sản, chất lượng cá giống của Đắk Lắk đã được khẳng định từ phía khách hàng, tuy nhiên thị trường và thương hiệu đang là vấn đề trăn trở của Chi cục. Thời gian tới, Chi cục sẽ tham mưu Sở NN-PTNT sớm quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho cá giống Đắk Lắk để nâng cao giá trị cho sản phẩm, đồng thời thực hiện được các quyền bảo hộ cho cá giống Đắk Lắk, tránh được việc giả mạo như hiện nay.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc