Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp: Hướng đi nhiều triển vọng
Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, cũng như nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và đời sống nhân dân.
Bước đột phá nhờ ứng dụng khoa học công nghệ
Thời gian qua, các ban, ngành đã đầu tư, nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc thực hiện nhiều mô hình sản xuất cho năng suất cao, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, đáng chú ý là huyện Cư M’gar, đơn vị tiên phong trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC).
Ngoài những lớp dạy nghề, tập huấn, địa phương còn tập trung hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình, chuyển giao kỹ thuật thực hiện như: mô hình tưới tiết kiệm nước, trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, sản xuất cà phê có chứng nhận chất lượng, quy trình sản xuất phân hữu cơ sinh học, nuôi bò sinh sản, kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm… Qua thực tế cho thấy, hầu hết các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, huyện đang xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC tập trung với diện tích khoảng 50 ha; đồng thời kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vào đầu tư sản xuất kết hợp với phân phối, bao tiêu sản phẩm.
Cán bộ Đoàn tham quan mô hình tưới tiết kiệm nước của gia đình anh Nguyễn Đức Phước (thứ 2 từ phải sang) ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng. |
Tại huyện Krông Ana, việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp cũng được thể hiện qua thực tiễn nông dân trồng nấm khi có thể cho ra sản phẩm theo ý của mình. Cụ thể, phương pháp trồng theo kiểu treo ngang bịch nấm và cho nấm ra cổ khắc phục được những nhược điểm so với trồng nấm theo phương pháp truyền thống treo đứng và rạch nhiều vết trên bịch nấm... Được biết, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 50 hộ dân trồng các loại nấm: rơm, sò, mèo, linh chi (chủ yếu tập trung ở thị trấn Buôn Trấp, xã Quảng Điền).
Một mô hình ứng dụng công nghệ mới là tưới tiết kiệm cho cây trồng. Với lợi ích thiết thực như phù hợp điều kiện nắng hạn mùa khô Tây Nguyên; có thể vận hành thường xuyên, giảm sự rửa trôi hóa chất vào môi trường và sự xói mòn đất, giảm 50% chi phí đầu tư công lao động…, công nghệ này đã thực sự trở thành cứu cánh cho người dân trước diễn biến thất thường của thời tiết…
Đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ cao
Ông Vương Hữu Nhi, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Việc sáng tạo và áp dụng CNC, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất là hướng đi tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Dù quy mô và mức độ đầu tư của địa phương cho các mô hình còn ở bước khởi đầu, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh về phát triển nông nghiệp của tỉnh nhưng có nhiều mô hình đã chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa, đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận nhân dân”.
Vườn cam quýt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Lê Huy Long (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn). |
Hơn thế nữa, từ việc tham gia thực hiện các mô hình bước đầu đã thay đổi được tập quán sản xuất lạc hậu, độc canh của nhiều vùng địa phương trước đây; đặc biệt, hoạt động ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ đã giúp người dân tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Đơn cử như huyện Buôn Đôn đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nguồn vốn, cây con giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và đồng hành với bà con thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trị giá hàng tỷ đồng như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng bắp, đậu, cà phê sang trồng cây ăn trái (cam, quýt, chuối Nam Mỹ) và phát triển kinh tế trang trại đa cây, đa con…
Theo “Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020”, tỉnh sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng CNC quy mô 30 ha tại Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNC trên diện rộng nhằm sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất lên trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc