Multimedia Đọc Báo in

Dùng cây sống làm trụ tiêu: Cách làm mang lại hiệu quả cao

15:57, 28/02/2018

Trước đây, người trồng hồ tiêu ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) thường dùng các cột bê tông, cột gỗ… làm trụ tiêu. Những năm gần đây, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển sang dùng các loại cây sống như: muồng, lồng mứt, sưa, gòn… làm trụ tiêu. Cách làm này bước đầu đã cho những kết quả tích cực.

Anh Bàn Trung Ngọc (thôn Ea Mô) là chủ nhân của hơn 800 trụ tiêu được trồng xen trong hơn 2 ha cà phê. Vườn tiêu này nếu dùng trụ gỗ hoặc trụ bê tông thì tổng chi phí sẽ lên đến trên 100 triệu đồng, chưa kể tiền thuê nhân công và một số chi phí phát sinh khác. Nhờ chọn cây sống làm trụ tiêu, anh Ngọc đã giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu. Theo anh Ngọc, tuy trồng tiêu bằng trụ sống mất nhiều thời gian nhưng trụ sống lại có tác dụng che nắng, chắn gió cho cây trồng chính hiệu quả cao hơn hẳn. Anh Ngọc chia sẻ: “Bây giờ bà con ở đây ai cũng trồng cây sống làm trụ tiêu. Cây lồng mức giá chỉ từ 2.000 – 3.000 đồng/cây, với 800 trụ chỉ mất khoảng 1,6 – 2,4 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với trụ gỗ hoặc bê tông, sau một năm có thể đưa cây tiêu vào trồng. Trồng cây sống thì được chiều cao, ở mức 6 –7 m, có những cây lên đến 12 m trong khi trụ đứng chỉ 3 – 4 m. Năng suất cây trồng cũng cao hơn hẳn, mỗi trụ tiêu trồng bằng cây sống thu hoạch được 10 kg nhân nhưng trồng bằng trụ chết chỉ tầm 5 - 6 kg".

Anh Lý Nhật Bảo (phải) trong vườn tiêu  của  gia đình.
Anh Lý Nhật Bảo (phải) trong vườn tiêu của gia đình.

Tương tự, thấy hiệu quả của việc trồng tiêu trên cây sống mang lại, ngay từ khi mới trồng tiêu, anh Lý Nhật Bảo (thôn Ea Mô) đã chọn các loại cây sống như: lồng mứt, keo và muồng làm trụ tiêu. Với lựa chọn này, anh đã giảm được chi phí đầu tư ban đầu và xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả. Hiện gia đình anh Bảo đã có 1.500 trụ tiêu, trong đó có 300 trụ đang trong giai đoạn kinh doanh, bình quân mỗi năm thu hơn 3,5 tấn tiêu, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh.

Có khoảng 80% diện tích hồ tiêu ở xã Cư Suê được trồng trên các cây sống.
Có khoảng 80% diện tích hồ tiêu ở xã Cư Suê được trồng trên các cây sống.

Việc trồng hồ tiêu trên cây sống mới được bà con nông dân xã Cư Suê áp dụng từ khoảng 5 năm trở lại đây. Tính đến nay, toàn xã có 750 ha tiêu, trong đó có khoảng 80% ha được trồng trên các cây sống. Các loại trụ sống phổ biến mà người trồng tiêu áp dụng là: keo, lồng mứt, muồng, gòn, sưa… tùy theo sự lựa chọn của từng hộ. Mỗi loại cây dùng làm trụ sống cho tiêu đều có những công dụng và thế mạnh riêng. Được trồng với mật độ thích hợp và tỉa cây trụ sống hợp lý, nhiều mô hình trồng tiêu trên cây sống cho năng suất cao và ổn định. Bà Phạm Thị Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Suê cho biết: “Hiện nay, nông dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng cây xanh làm trụ tiêu, còn rất ít hộ dùng trụ gỗ hay bê tông. Nhiều hộ đã chủ động tìm mua những cây xanh lớn và cao (gần 80 cm) để trồng làm trụ tiêu. Không trồng được cây lớn, bà con cũng tận dụng cây cà phê làm trụ để tiêu leo, bên cạnh đó trồng thêm một cây xanh để dần thay thế… Dùng cây sống làm trụ có rất nhiều ưu điểm, năng suất cao hơn hẳn so với trồng trên trụ chết”.

Có thể nói, trồng tiêu trên trụ sống là kiểu canh tác bền vững, không chỉ giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu, tạo nên điều kiện sinh thái phù hợp cho phép kéo dài thời gian khai thác vườn tiêu, hạn chế được các bệnh nguy hiểm, đem lại lợi ích kinh tế cao cho người nông dân mà còn góp phần hạn chế nạn phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.