Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở Cư M'gar

08:18, 08/02/2018

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Cư M’gar đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ nông nghiệp… góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Tạo “đòn bẩy” cho nông dân vươn lên

Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Cư M’gar cho biết, để thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Ban Thường vụ HND huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn tổ chức phát động đến từng hội viên; tuyên truyền, nhân rộng các nhân tố điển hình, gương sản xuất kinh doanh giỏi; phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật; dạy nghề, cung ứng giống, phân bón, vật tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Từ năm 2012 đến nay, các cấp HND huyện đã phối hợp tổ chức 1.679 buổi tập huấn, hội thảo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho nông dân; tín chấp cho trên 7.900 hộ mua 15.665 tấn phân bón trả chậm với tổng trị giá trên 54,7 tỷ đồng; giải ngân trên 1,7 tỷ đồng quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; tín chấp cho 3.886 hộ nông dân vay vốn với tổng dư nợ trên 96 tỷ đồng. Có thể nói, sự tiếp sức tích cực đó chính là “đòn bẩy” giúp nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar vươn lên làm giàu với nhiều mô hình hiệu quả.

Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Tul thăm hỏi tình hình sản xuất của gia đình anh Y Đhiăm Ayun ở buôn Tu.
Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Tul thăm hỏi tình hình sản xuất của gia đình anh Y Đhiăm Ayun ở buôn Tu.

Ông Nguyễn Tiến ở buôn Sang B, xã Ea H’đing là một trong những điển hình trong hội viên nông dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sau khi được vay tín chấp 20 triệu đồng và tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng xen cây tiêu trong vườn cà phê, tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững do HND xã tổ chức, ông Tiến đã mạnh dạn trồng xen 1.000 gốc tiêu trong vườn cà phê, chú trọng sử dụng các chế phẩm sinh học và các loại phân vi sinh thay thế cho phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy 2,1 ha cà phê xen tiêu của gia đình ông phát triển tốt, đem lại lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm.

 

“Huyện Cư M’gar hiện có 256 trang trại sản xuất với tổng diện tích trên 2.000 ha, tổng vốn đầu tư trên 54,3 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho 1.000 lao động tại chỗ; 36 cơ sở chăn nuôi tập trung; 16 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp dịch vụ, 27 tổ hợp tác”. 

 
 
Ông Trần Văn Cường Chủ tịch HND huyện Cư M’gar

Trước đây gia đình ông Y Đhiăm Ayun ở buôn Tu, xã Ea Tul chỉ độc canh 1,5 ha cà phê. Sau khi được HND xã hướng dẫn, ông đã mạnh dạn thay đổi cách làm ăn. Không chỉ trồng xen 150 trụ tiêu, ông Y Đhiăm còn trồng cả sầu riêng, bơ boot trong vườn cà phê và chăn nuôi thêm 3 heo nái, 20 heo thịt. Nhờ mô hình này, trung bình mỗi năm gia đình ông thu lãi được từ 300-400 triệu đồng và được công nhận đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2017.

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Theo thống kê, năm 2012, toàn huyện Cư M’gar có 6.125 hộ nông dân đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đến cuối năm 2017 tăng lên 9.510 hộ, trong đó, cấp Trung ương 3 hộ, cấp tỉnh 1.435 hộ, cấp huyện 3.220 hộ, còn lại là cấp xã. Ông Trần Văn Cường đánh giá: Qua phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng phân vi sinh, các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh những cây trồng truyền thống như cà phê, tiêu, điều, nông dân trên địa bàn huyện đã chú trọng phát triển những cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao như trồng nấm, hoa, cây cảnh, bơ, sầu riêng ghép… và áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất như mô hình tưới nước tiết kiệm, tưới nước nhỏ giọt, bón phân cân đối, quản lý dịch bệnh, sản xuất cà phê bền vững… Nhiều hội viên đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại theo hướng công nghiệp, tạo ra sản phẩm có giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cán bộ Hội Nông dân các cấp thăm mô hình trồng tiêu xen cà phê của gia đình anh Nguyễn Tiến ở buôn Sang B, xã Ea H’đing.
Cán bộ Hội Nông dân các cấp thăm mô hình trồng tiêu xen cà phê của gia đình anh Nguyễn Tiến ở buôn Sang B, xã Ea H’đing.

Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh như: vùng chuyên canh rau ở xã Quảng Hiệp, thị trấn Ea Pốk; vùng chuyên canh hoa ở thị trấn Ea Pốk; vùng chuyên canh ngô ở xã Ea M’droh, Ea Mnang, Quảng Hiệp, Cư M’gar; vùng chuyên canh cà phê ở xã Ea Tul, Cư Dliê Mnông, Cư Suê, Ea Kpam, Cư M’gar, Ea H’đing… góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.