Multimedia Đọc Báo in

Làm rau với người Nhật

08:13, 12/02/2018

Người Nhật Bản đến Đắk Lắk đã mang đến cách thức sản xuất nông nghiệp khác biệt, hướng đến sự phát triển bền vững của môi trường và con người.

Trang trại sản xuất rau của Công ty TNHH Liên kết nông dân (TP. Buôn Ma Thuột) được sản xuất theo hướng hữu cơ, tận dụng tối đa lượng ánh sáng mặt trời, dinh dưỡng từ đất và gần như không sử dụng phân bón hóa học. Việc sản xuất được tổ chức theo đội, nhóm chuyên trách từng loại rau như đội sản xuất rau ăn lá, rau gia vị, củ, quả... để các công nhân nắm chắc kỹ thuật, sản xuất rau tương thích với thời vụ, đặc thù riêng biệt trên từng mảnh vườn, giống rau. Còn việc làm cỏ, tỉa cành thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thủ công, đặc biệt, các vườn đậu, dưa chuột thường xuyên được công nhân cắt tỉa bớt quả khi mới nhú để bảo đảm cây cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết nuôi quả lớn, tránh tình trạng cây quá sức, èo uột.

Anh Motoyuki Takano kiểm tra  sự phát triển của cây trồng.
Anh Motoyuki Takano kiểm tra sự phát triển của cây trồng.

Đang cắt đám rau muống đến kỳ thu hoạch, bà Võ Thị Huyền (khối 4, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), công nhân đội sản xuất rau ăn lá có hơn 3 năm kinh nghiệm cho biết, chỉ sau một thời gian canh tác, các thửa đất trồng rau của gia đình bà đều bị chai sạn khiến việc sản xuất rau khó khăn, vì thế bà phải lấy đất mới từ nơi khác về đổ lên hoặc chuyển sang thửa khác để trồng. Khi đến làm việc tại công ty, được các kỹ sư Nhật Bản hướng dẫn và trực tiếp thực hành sản xuất mới hiểu được đất canh tác của gia đình bị chai sạn là do canh tác không đúng kỹ thuật, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

 

Người Nhật Bản trồng rau không ứng dụng kỹ thuật quá nhiều mà chủ yếu là sản xuất thuận theo tự nhiên, trồng các loại rau dễ trồng theo mùa mà từ trước đến nay người Nhật và Việt Nam vẫn thường dùng để có những sản phẩm vừa ngon vừa bảo đảm sức khỏe cho con người, bảo vệ môi trường”.

 
Anh Motoyuki Takano

Cứ hai năm một lần, các thửa đất trồng rau tại trang trại sẽ được lấy mẫu, kiểm tra các chỉ số về độ chua, kim loại nặng, tồn dư hóa chất…, sau đó được xử lý kỹ bằng các biện pháp hữu cơ trước khi gieo trồng vụ mới. Để “đất sạch”, bảo đảm môi trường thì vấn đề quan trọng nhất là các loại vật chất con người sử dụng trong quá trình sản xuất rau có nguồn gốc hữu cơ và đáp ứng vừa đủ nhu cầu của cây, cụ thể là nguồn phân bón, liều lượng bón phân và công tác phòng chống dịch bệnh. Anh Motoyuki Takano, cán bộ kỹ thuật Công ty cho biết, hiện trang trại chủ yếu sử dụng phân gà ủ với vỏ trấu, tuy nhiên chi phí đầu tư quá cao, lượng vỏ trấu khá khan hiếm nên đơn vị đang chuyển sang sử dụng phân bò ủ với vỏ cà phê. Ngoài thuốc vi sinh và diệt nấm không tự sản xuất được thì các vườn rau chủ yếu được phòng, trị sâu bệnh bằng các phương pháp tự nhiên như sử dụng các loại thiên địch, dung dịch điều chế từ thực phẩm có mùi nồng, cay như lá nim, ớt, tỏi, gừng...

Các kỹ sư kiểm tra, phân loại rau tại kho sơ chế, chế biến của trang trại.
Các kỹ sư kiểm tra, phân loại rau tại kho sơ chế, chế biến của trang trại.

Việc sản xuất rau theo hướng hữu cơ, tuân thủ đúng tiến độ sinh trưởng, phát triển nên trang trại rộng hơn 1,5 ha mùa này chỉ tập trung sản xuất rau cải, cà rốt, dưa chuột, dưa leo, đậu bắp… theo thời vụ và chỉ xuất bán lượng nhỏ cho một số nhà hàng, khách sạn tại TP. Buôn Ma Thuột, còn lại đa số đều được xuất đi TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa)… Khi có đơn đặt hàng, bộ phận kinh doanh sẽ trao đổi với cán bộ kỹ thuật và công nhân sản xuất, nếu hội tụ đủ điều kiện về mùa vụ, thời tiết, đất đai, thời gian sinh trưởng thì công ty mới tiếp nhận đơn hàng. Nhờ đó, lượng rau xuất kho luôn bảo đảm các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, khối lượng cần có, chất lượng rau đúng chuẩn nhưng giá không quá cao so với các sản phẩm cùng chủng loại. Hiện tại, mức giá dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/kg đối với rau ăn lá,  40.000 - 60.000 đồng/kg củ, quả tùy loại. 

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.