Multimedia Đọc Báo in

Làng rau Tân Hòa vào vụ Tết

09:36, 07/02/2018

Càng gần những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, người dân làng rau Tân Hòa (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) lại càng tất bật chăm sóc rau màu để kịp thu hoạch, cung ứng cho thị trường dịp Tết.

Thời điểm này, các vườn rau ở đây đã được cấy lên luống thẳng tắp, xanh mơn mởn. Không ngơi tay chăm sóc cho vườn rau, anh Ngô Duy Phúc (khối 6, phường Tân Hòa) cho biết: Rau ở đây được trồng quanh năm, vụ nọ gối vụ kia với đầy đủ chủng loại, tuy nhiên vụ rau Tết vẫn được bà con chú trọng nhất. Do nhu cầu tiêu thụ cao nên lượng rau cũng được trồng tăng lên nhiều so với những ngày thường, mặt khác bởi đây là dịp Tết nên người trồng rau cũng trông đợi vào đợt thu hoạch này để có thêm thu nhập cho gia đình mua sắm, hưởng một cái Tết đủ đầy. “Gia đình tôi đang chuẩn bị một số lượng lớn xà lách và các loại rau cải để bán trong dịp Tết. Nhờ thời tiết thuận lợi nên rau sinh trưởng tốt, có khả năng sẽ đạt năng suất cao. Tuy nhiên thường thường cứ “được mùa thì mất giá”, nên chưa biết thu nhập sẽ như thế nào. Hy vọng gần Tết rau bán được giá để gia đình đón Tết sung túc hơn...”, anh Phúc khấp khởi nói.

Vườn rau của gia đình anh Ngô Duy Phúc chuẩn bị thu hoạch bán trong dịp Tết Nguyên đán.
Vườn rau của gia đình anh Ngô Duy Phúc chuẩn bị thu hoạch bán trong dịp Tết Nguyên đán.

Gia đình anh Bùi Văn Cường (khối 6, phường Tân Hòa) là một trong những hộ trồng rau lâu đời của làng rau Tân Hòa. Nhờ được tham dự các lớp tập huấn về sản xuất rau an toàn và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, với diện tích hơn 2 sào đất, mỗi năm gia đình anh thu hơn 300 triệu đồng từ rau. Hiện tại, gia đình anh đang trồng các loại rau như: xà lách, cải ngọt, su hào và hoa cúc Đà Lạt chuẩn bị bán trong dịp Tết. Anh Cường nhận định: Năm nay thời tiết thuận lợi nên người trồng rau không mấy lo ngại. Mỗi loại rau củ có thời gian sinh trưởng khác nhau, do vậy tùy vào từng loại rau mà các gia đình xuống giống cho phù hợp với thời vụ. Thông thường xà lách trồng khoảng 1 tháng, rau cải từ 15-20 ngày, su hào khoảng gần 2 tháng thì thu hoạch. Cách đây gần 2 tháng, các nông hộ ở đây đã luôn phải bám sát thời vụ, rồi căn cứ vào thời tiết để gieo trồng, chăm bón cho đúng dịp thu hoạch. Anh Cường chia sẻ: “Giá rau dịp Tết dù không cao hơn ngày thường bao nhiêu, nhưng bù lại lượng rau bán ra được nhiều hơn. Mình làm lâu năm rồi nên đã quen thuộc công việc, tuy những ngày này bận rộn hơn nhưng rất vui vì tăng thêm thu nhập. Nếu so với trồng các loại cây nông nghiệp khác thì thu nhập từ rau khá hơn. Bình thường gia đình mình mỗi ngày bán từ hơn 1 tạ đến 2 tạ rau các loại, thu nhập hơn 1 triệu đồng; nếu trừ chi phí thì thu được khoảng 30 triệu đồng/tháng. Riêng trong dịp Tết, bên cạnh trồng nhiều loại rau để bù trừ qua lại nếu có loại rau bị rớt giá, gia đình mình còn trồng thêm một số loại hoa, nhờ đó cũng tăng thu nhập hơn...”.

Người dân làng rau Tân Hòa chăm sóc rau cho kịp thu hoạch dịp giáp Tết Nguyên đán.
Người dân làng rau Tân Hòa chăm sóc rau cho kịp thu hoạch dịp giáp Tết Nguyên đán.

Cũng như gia đình anh Cường, để chuẩn bị cho vụ rau Tết năm nay, hầu hết các hộ nông dân làng rau Tân Hòa đều trồng nhiều loại rau màu khác nhau và canh cho kịp thu hoạch đúng vào dịp Tết. Ngoài những cây rau chủ lực như xà lách, bắp cải, su hào, cải ngọt, rau thơm, diếp cá..., một số hộ cũng trồng thêm hoa cúc Đà Lạt, lay ơn, cúc đại đóa... để chuẩn bị bán ra trong dịp Tết.

Làng rau Tân Hòa đã hình thành và phát triển trên 30 năm. Hiện tại, khu vực này có khoảng 10 ha với trên 70 hộ sống bằng nghề trồng rau. Để phục vụ thị trường dịp Tết, hầu hết các tư thương trong tỉnh đã đặt hàng với các hộ trồng rau từ Tết Dương lịch. Mỗi vụ Tết, làng rau cung cấp ra thị trường hơn 200 tấn rau các loại cho các chợ trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận.

Xuân Thái


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.