Multimedia Đọc Báo in

Lênh đênh nghề chài lưới

16:27, 13/02/2018

Huyện Lắk được thiên nhiên ban tặng nhiều hồ nước ngọt có diện tích lớn như: Hồ Lắk (ở thị trấn Liên Sơn, rộng trên 500 ha), hồ Ea R’bin (xã Ea R’bin, 200 ha), hồ Buôn Triết (xã Buôn Triết, khoảng 150 ha… Những hồ nước này ngoài tiềm năng phát triển du lịch, cung cấp nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế còn là “mảnh đất” sinh nhai của hàng trăm người dân.

Khi mặt trời dần buông xuống, mọi người kết thúc một ngày làm việc, thì nhiều người làm nghề chài lưới trên hồ Lắk mới bắt đầu cuộc mưu sinh trên những con xuồng đánh cá nhỏ bé. Trước đây, khi nguồn lợi thủy sản ở hồ còn nhiều thì có khoảng 300 người làm nghề chài lưới với thu nhập khá tạm ổn. Tuy nhiên, do suy giảm nguồn lợi thủy sản nên giờ chỉ còn khoảng vài ba chục người tiếp tục “bám trụ” với nghề...

Anh Nguyễn Văn Tiền (SN 1976) ở thị trấn Liên Sơn gắn bó với nghề chài lưới trên hồ Lắk ngót nghét 20 năm nay. Từng ấy năm theo nghề vui có, buồn có nhưng lo toan thì nhiều hơn, bởi vất vả mà thu nhập không ổn định. Anh Tiền tâm sự: “Cứ khoảng 4 giờ chiều hằng ngày, tôi bắt đầu đi đánh cá, cứ thế thả đăng, đánh lưới đến sáng hôm sau. Hôm nào “trúng quả” gặp cá to thì kiếm được 200 - 300 nghìn đồng, còn “xui” chỉ được vài lạng tôm, cá bống… chỉ đủ chi phí đèn, dầu máy. Dẫu biết bấp bênh là thế, nhưng tôi quyết không bỏ nghề bố mẹ “truyền lại”, và đợi chờ một ngày gần đây cá tôm sẽ dồi dào như trước kia”.

Lồng nuôi cá trên hồ Buôn Triết.
Lồng nuôi cá trên hồ Buôn Triết.

Cũng là người làm nghề chài lưới có thâm niên ở hồ Lắk, anh Nguyễn Văn Chín (SN 1970) ở thị trấn Liên Sơn giãi bày: “Làm nghề này chẳng ai giàu cả, chỉ đủ ăn thôi. Hồ Lắk cho gì thì chúng tôi nhận lấy chứ không cố giành giật, vơ vét con cá, con tôm bằng mọi cách. Lượng cá, tôm hiện nay đã giảm đi nhiều so với trước đây, nhưng nếu biết cách khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì hồ Lắk vẫn là nơi có thể giúp chúng tôi kiếm sống về lâu dài”.

Đã gần 10 năm nay, hàng chục hộ dân “xóm chài” sống trong những căn nhà nổi lênh đênh ở con suối Đắk Hil (nằm giáp ranh giữa hai xã Krông Nô và Nam Ka) cũng sớm hôm vất vả mưu sinh bằng nghề chài lưới. Năm 2009, khi Thủy điện buôn Tua Srah xây dựng, trong quá trình tích nước hồ chứa đã làm nước dâng lên nên con suối Đắk Hil tập trung nguồn cá rất lớn, từ đó xuất hiện xóm chài nhỏ này. Hiện xóm chài có khoảng 30 hộ với 100 khẩu, hầu hết đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Một số hộ không có đất ở nên đóng thuyền, dựng nhà ngay trên mặt nước.

Chị Võ Thị Tuyết Loan (SN 1965, quê Đồng Tháp) cho hay: Đa phần ngư dân ở đây là người Đồng Tháp, An Giang… lên đây sinh sống bằng nghề đánh bắt cá tôm và nuôi cá lồng trên hồ thủy điện này. Cứ 4-5 giờ chiều mỗi ngày, đàn ông trong xóm lại chèo thuyền ra xa thả lưới, đốt đèn đuổi cá đến tận khuya, sáng sớm tinh mơ thức dậy gỡ cá cho kịp thương lái thu mua; còn phụ nữ ở nhà xẻ cá phơi khô bán cho khách qua đường… “Nghề này bấp bênh lắm, miếng cơm, manh áo của cả nhà chỉ trông chờ vào những mẻ lưới hằng đêm. Nhưng không làm việc này thì cũng chẳng biết làm gì khi đất đai, vốn liếng, nghề nghiệp không có. Chỉ mong sao nguồn lợi thủy sản ở đây không cạn kiệt để chúng tôi tiếp tục kiếm sống ”, chị Loan chia sẻ.

Các sạp bán cá khô của ngư dân ở chân cầu Đắk Hil.
Các sạp bán cá khô của ngư dân ở chân cầu Đắk Hil.

 

 
 “Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là các hộ dân sống bằng nghề chài lưới đã từng ngày cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo”.
 
 
 
 
Ông Trương Văn Doan, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Buôn Triết

Là nơi có hàng chục người mưu sinh bằng nghề chài lưới, Chi hội nghề cá Buôn Triết (xã Buôn Triết) đã thực hiện tốt việc khai thác đi đôi với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nên cuộc sống của các ngư dân ở đây có phần tạm ổn hơn so với nơi khác. Ông Trương Văn Doan, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Buôn Triết cho biết: Năm 2009, được sự hỗ trợ từ Chương trình hỗ trợ ngành Thủy sản giai đoạn 2 (FSPS II), Ban Quản lý FSPS của tỉnh đã chọn hồ Buôn Triết thực hiện mô hình “Đồng quản lý nghề cá” (phương thức quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng) nhằm giúp cho nghề cá của xã phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Doan, số lượng hội viên luôn có sự thay đổi, nhưng một khi đã tham gia đều cam kết thực hiện nghiêm những quy định trong hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản như: Không sử dụng các ngư cụ mang tính hủy diệt; sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, chăm sóc nuôi dưỡng đúng kỹ thuật để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường… Hiện nay, có 13 hộ gia đình tham gia vào chi hội, mỗi ngày có khoảng từ 5-7 thuyền luân phiên đánh bắt cá trên hồ, trung bình mỗi thuyền đánh bắt được hơn 3-4 kg tôm, cá các loại, với thu nhập khoảng 300.000 đồng. Số tiền này cũng đủ để các ngư dân trang trải cuộc sống hằng ngày và tích lũy vốn liếng được chút ít.

Dẫu cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng những người làm nghề chài lưới vẫn quyết bám trụ và sống bằng “món quà” của sông nước. Được đến gặp và trò chuyện cùng họ, chúng tôi nhận thấy sự mộc mạc, giản dị, chân thành giữa các bạn chài với nhau, cũng như tình cảm chan hòa giữa họ với thiên nhiên, sông nước.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.