Niềm tin từ những câu chuyện khởi nghiệp
Phong trào khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ. Bằng đam mê và niềm tin vào bản thân, không ít người đã gặt hái thành công, làm giàu cho mình và có những đóng góp cho xã hội.
Đưa hương dầu sả bay xa
Quê ở Cao Bằng, năm 2004 chị Phùng Thị Làm cùng gia đình vào Đắk Lắk mua 1 ha đất ở thôn 1 (xã Ea Tir, huyện Ea H’leo) lập nghiệp. Có đất, chị Làm trồng sắn, hồ tiêu và cà phê nhưng do chưa biết cách chăm sóc, lại hay bị sâu bệnh hại nên năng suất, hiệu quả không cao. Chị cho hay: “Ở ngoài quê, gia đình tôi có trồng sả và làm tinh dầu. Nhận thấy khí hậu, đất đai ở đây thích hợp, tôi quyết định trồng thử nghiệm cây sả java”.
Năm 2012, chị Làm về quê mua 50 kg giống sả java về trồng thử nghiệm trên diện tích 1 sào. Theo chị Làm, trồng sả tuy ít tốn công và chi phí đầu tư ít nhưng phải biết kỹ thuật canh tác mới đem lại hiệu quả cao…”. Đất không phụ công người, cây sả phát triển tốt, chị Làm bàn với chồng đầu tư hệ thống máy chưng cất và ép tinh dầu sả ngay tại nhà. Thời gian đầu, do ở vùng sâu, vùng xa nên khi có sản phẩm, chị Làm phải gửi xe ra Hà Nội bán cho người quen hoặc tự mang ra chợ Ea H’leo bán. “Tiếng lành đồn xa”, sản phẩm tinh dầu sả do gia đình chị Làm sản xuất được nhiều người tìm đến mua và cũng có một số người đến học tập kinh nghiệm. Khi đã có ít vốn tích lũy, chị Làm mua thêm đất, tăng diện tích trồng sả lên 3 ha nhưng vẫn… “cháy” hàng.
Chị Phùng Thị Làm (phải) trao đổi về phương pháp canh tác và thu hoạch sả đạt lượng tinh dầu tốt nhất . |
Nhận thấy nhu cầu sử dụng tinh dầu sả tăng, năm 2016 chị Làm cùng với 50 thành viên trong thôn thành lập Hợp tác xã Tinh dầu sả Tân Trào. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, chị Làm đã nghiên cứu thành công kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sả đạt quy chuẩn về kích cỡ để khi thu hoạch chưng cất thu được nhiều tinh dầu hơn, chất lượng tốt hơn. Một tin vui đến với chị Làm cũng như các xã viên của Hợp tác xã khi tinh dầu sả Tân Trào đã được cán bộ địa phương lựa chọn là sản phẩm đặc trưng đem đi giới thiệu tại nhiều hội chợ, hội nghị trong và ngoài tỉnh. Chị Làm vui vẻ khoe: “Hiện HTX đang tích cực hoàn thiện việc đăng ký thương hiệu Tinh dầu sả java Tân Trào”.
Say hương vị ca cao
Mới tiếp xúc với Lê Thị Trang (SN 1992) ở phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) ít ai nghĩ Trang dám khởi nghiệp với... ca cao Tây Nguyên.
Trang sinh ra và lớn lên ở huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Năm 2011, tốt nghiệp THPT, Trang xin vào làm việc ở Trung tâm Viễn thông VNPT Cư Jút, rồi chuyển sang Công ty CP Quốc tế Silent Night (TP. Buôn Ma Thuột). Được đi nhiều nơi, nhận thấy tiềm năng nông sản vùng Tây Nguyên lớn, năm 2016 Trang quyết định nghỉ việc, cùng hai người bạn khởi nghiệp… với ca cao. Trang tâm sự: “Em muốn hình thành một sản phẩm ca cao đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu một lượng ca cao lớn, trong khi diện tích, sản lượng ca cao của Tây Nguyên không nhỏ”.
Chị Lê Thị Trang lập kế hoạch phát triển sản phẩm ca cao Nutri Soil. |
Để hiện thực hóa ước mơ, ròng rã một năm Trang lặn lội đến nhiều vườn ca cao ở các huyện: Krông Pắc, Krông Ana… rồi sang các tỉnh thành như Lâm Đồng, Vũng Tàu, Tiền Giang… học cách trồng, chăm sóc ca cao. Sau đó, Trang xin vào các nhà máy chế biến tham quan, học hỏi quy trình sản xuất ca cao. Khi đã tích lũy được một ít kiến thức về ca cao, thì Trang lại gặp một khó khăn khác là hai người bạn cùng khởi nghiệp từ bỏ dự án. Không nản chí, ban ngày Trang tìm đến các công ty luật nhờ tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập công ty và kinh doanh sản phẩm. Buổi tối, Trang mày mò điều chế công thức pha chế ca cao để cho ra sản phẩm của riêng mình. Sau nhiều đêm thức trắng vì uống quá nhiều ca cao, Trang đã reo lên vì đã pha chế được ly ca cao ưng ý mà theo như Trang chia sẻ là “béo, đậm vị ca cao và không quá ngọt”.
Điều chế công thức thành công, Trang quay trở lại một nhà máy chế biến ca cao ở Đồng Nai để liên hệ sản xuất sản phẩm theo công thức riêng của mình. Tháng 7-2017, Trang thành lập Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nutri Soil cùng sản phẩm bột ca cao nguyên chất 3 trong 1 mang nhãn hiệu Nutri Soil ở đường Trần Hưng Đạo (TP. Buôn Ma Thuột). Kênh phân phối hạn chế, Trang lại cùng nhân viên tự tay đóng gói và mang sản phẩm đi giới thiệu tại các cửa hàng trong, ngoài tỉnh và trên mạng xã hội… Hiện nay sản phẩm bột ca cao Nutri Soil được phân phối đến 20 đại lý trong tỉnh, 19 cửa hàng tại Hà Nội và một số tỉnh xung quanh…
Trang chia sẻ về dự định trong tương lai: “Chất lượng ca cao trồng ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên không thua kém hàng nhập ngoại. Mong ước của em là chế biến thêm những sản phẩm từ cây ca cao, như: bơ ca cao, kẹo sôcôla, nước giải khát ca cao đóng lon… mang thương hiệu “Made in Việt Nam”.
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc