Multimedia Đọc Báo in

Nông sản Đắk Lắk sẵn sàng cho hội nhập EVFTA

17:00, 11/02/2018

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) được xem là hiệp định cao cấp khi các đối tác là những khách hàng lớn đang được hướng đến. Do đó, ngành Nông nghiệp Đắk Lắk đang tận dụng các lợi thế và từng bước nỗ lực hoàn thiện mình để tạo bước đột phá trong quá trình hội nhập.

Tận dụng lợi thế 

EU là thị trường lớn và tiềm năng với dân số trên 500 triệu người, tổng GDP trên 15.000 tỷ USD, chiếm khoảng 22% GDP toàn thế giới, tổng kim ngạch ngoại thương khoảng 3.800 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và 16,4 % tổng kim ngạch nhập khẩu của toàn thế giới. Thị trường EU gồm 28 nước thành viên, trong đó có những nước là bạn hàng xuất nhập khẩu truyền thống với Việt Nam như Đức, Pháp, Hà Lan, Italia… Đặc biệt, đây là khối đối tác thương mại truyền thống của các mặt hàng nông sản chính của Đắk Lắk như cà phê, hồ tiêu, hạt điều. Khi hiệp định EVFTA được ký kết đồng nghĩa cùng lúc các ngành hàng nông sản có thể tiếp cận được với nhiều quốc gia với lượng khách hàng tiềm năng lớn, là một trong những thuận lợi lớn đối với ngành Nông nghiệp trong bối cảnh sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn về đầu ra như hiện nay. Đặc biệt, việc cắt giảm thuế quan đối với các sản phẩm nông sản chế biến có mức giảm mạnh theo lộ trình từ 10-15% hiện nay về gần với con số 0 trong 10 năm sau khi ký kết và có hiệu lực là một trong những động lực lớn, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông sản nhằm gia tăng giá trị cạnh tranh cho ngành hàng.

Du khách tham quan vườn điều tại TP. Buôn Ma Thuột.
Du khách tham quan vườn điều tại TP. Buôn Ma Thuột.

 

 
“EVFTA là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Những phát triển tích cực trong thương mại và đầu tư song phương trong khoảng 2 thập kỷ qua đã đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu và là một trong số các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam”
 
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương

Để tận dụng những lợi thế có được từ hiệp định, Công ty Cổ phần đầu tư tư vấn và Phát triển cà phê An Thái đã và đang tập trung phát triển các mặt hàng nông sản chế biến sâu. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, hiện tại doanh nghiệp đang phát triển hai lĩnh vực đó là các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản. Trong đó, cà phê là mặt hàng chủ đạo với các sản phẩm cà phê nhân, rang xay và hòa tan. Số lượng, chủng loại của cà phê hướng đến nhiều đối tượng khách hàng khác nhau về mặt địa lý cũng như gu thưởng thức khác biệt của mỗi người. Vì giá thành cao nên các sản phẩm cà phê chất lượng cao ngoài in các thông tin cơ bản trên bao bì, nhãn mác còn gắn truy xuất nguồn gốc tận từng vùng nguyên liệu; đây là những sản phẩm đạt các tiêu chuẩn khắt khe nhất của các thị trường xuất khẩu và có thể hưởng các chính sách thuế quan ưu đãi khi hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Nông dân huyện Krông Năng tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững ở xã Ea Tân.
Nông dân huyện Krông Năng tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững ở xã Ea Tân.

Bảo hộ và phát triển chỉ dẫn địa lý

Mỗi hiệp định có những lợi thế mang tính ưu tiên riêng biệt cho mỗi thành viên, và yêu cầu đó thường đi kèm với những ràng buộc đòi hỏi các thành viên phải tuân thủ. Đối với Hiệp định EVFTA là vấn đề truy xuất nguồn gốc và sở hữu trí tuệ trên thương trường. Do đó, ngoài việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc bảo hộ và phát triển các chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là việc làm cấp bách, cần thiết trong tiến trình hội nhập để bảo vệ quyền lợi trước mắt của doanh nghiệp và lâu dài cho các ngành hàng. Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, khi hiệp định EVFTA được ký kết thì Việt Nam sẽ bảo hộ CDĐL của các quốc gia thành viên (42 CDĐL) và các CDĐL của Việt Nam (38 CDĐL) cũng được các nước tham gia hiệp định công nhận trong đó có CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là bước tiến đầy kỳ vọng bởi hiệp định có thể nâng cao tầm vóc, lợi thế cho CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột và các doanh nghiệp được cấp quyền sẽ không bị vướng rào cản hay xâm hại thương hiệu trong quá trình thương mại hàng hóa tại các nước thành viên. Đây là lợi thế quan trọng đối với ngành hàng bởi việc bảo hộ CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột ở nước ngoài tốn rất nhiều chi phí và thời gian. Sắp tới, Hiệp hội sẽ trình các cấp thay đổi phương thức cấp quyền CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột, mở rộng quy mô, chủng loại sản phẩm được cấp quyền để tạo sự lan tỏa, quảng bá từ sản xuất đến tiêu thụ.

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.