Nước sinh hoạt mùa khô: Đến hẹn lại… lo!
Hiện đang vào thời điểm mùa khô, người dân ở TP. Buôn Ma Thuột lại phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước, cúp nước sinh hoạt.
Nguồn nước Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk đang quản lý, cung cấp cho người dân TP. Buôn Ma Thuột có tổng công suất thiết kế 57.000 m3/ngày đêm, trong đó khai thác nước ngầm 50.000 m3/ngày đêm, nước mặt hồ Ea Chu Cáp 7.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, mực nước ngầm tại thời điểm này đã sụt giảm 20% so với thiết kế, nên công suất khai thác toàn hệ thống chỉ đạt 47.000 – 50.000 m3/ngày đêm, cung cấp cho 63 nghìn khách hàng trên địa bàn toàn thành phố với nhu cầu 50.000 m3/ngày đêm. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, công ty đã triển khai các giải pháp để hoạt động cấp nước diễn ra thường xuyên, liên tục, đồng thời thành lập Ban điều hành sản xuất, điều phối nước sạch và xử lý sự cố. Tuy nhiên, nguồn nước cung cấp cho người dân vẫn thiếu khoảng 5.000 m3/ngày đêm, do đó đã xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số địa bàn trong hai ngày 29 và 30 Tết.
Hệ thống xử lý nước mặt hồ Ea Chu Cáp công suất 7.000 m3/ngày đêm cung cấp một phần nhu cầu nước sinh hoạt cho TP. Buôn Ma Thuột. |
Thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô là vấn đề nan giải tại TP. Buôn Ma Thuột trong nhiều năm nay. Đỉnh điểm là trong hai tháng 3 và 4 – 2017, có khoảng 10 nghìn hộ dân bị cúp nước sinh hoạt luân phiên (1 ngày có, 1 ngày không), đặc biệt, một số khu vực có địa hình cao như xã Cư Êbur, phường Tân Lợi… tình trạng cúp nước diễn ra 2 – 3 ngày liên tục. Ông Trần Thế Luyến, đường Hà Huy Tập, phường Tân Lợi cho biết, cứ vào mùa khô, gia đình ông lại bị cúp nước, khiến sinh hoạt trong gia đình gặp nhiều khó khăn. Ông phải canh thời điểm có nước để hứng dự trữ vào bồn, xô, chậu, thùng phuy, việc sử dụng nước rất tằn tiện, nhưng không đủ phục vụ cho cả gia đình có 5 người. Vừa qua, gia đình ông phải đầu tư gần 50 triệu đồng để khoan giếng phục vụ sinh hoạt. Nguyên nhân khiến tình trạng thiếu nước thường xuyên diễn ra ở TP. Buôn Ma Thuột vào mùa khô và dịp Tết là do nguồn nước để xử lý, cung cấp cho người dân phần lớn là nước ngầm; tuy nhiên, trong nhiều năm nay, người dân ồ ạt khoan giếng phục vụ bơm tưới khiến mực nước ngầm sụt giảm mạnh. Năm 2017, trên địa bàn tỉnh có mưa nhiều, nhưng lượng nước chỉ đủ bổ sung cho các nguồn nước mặt như hồ, đập, chứ chưa thể khôi phục được mực nước ngầm.
Dự án cấp nước Buôn Hồ, công suất 5.600 m3/ngày đêm cung cấp một phần nhu cầu nước sinh hoạt cho TP. Buôn Ma Thuột. |
Nhằm đáp ứng đủ nguồn nước sinh hoạt cho địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, nhà máy xử lý nước từ sông Sêrêpốk đang được Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk triển khai tại xã Ea Na, huyện Krông Ana với công suất thiết kế 35.000 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. Bên cạnh đó Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột cũng đang xây dựng dự án cấp nước tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, công suất 20.000 m3/ngày đêm, với tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng nhằm cung cấp nước cho 5 xã của huyện Cư Kuin và bổ sung một phần cho TP. Buôn Ma Thuột. Dự kiến, hai dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm nay, sẽ giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt tại thành phố. Trong khi chờ 2 dự án trên đi vào hoạt động, tình trạng thiếu nước sẽ vẫn có thể diễn ra. Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk cho biết, vào mùa khô năm nay, tình trạng thiếu nước, cúp nước có thể vẫn còn tái diễn, do đó, người dân cần có kế hoạch sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, hạn chế sử dụng vào thời gian cao điểm từ 17 – 20 giờ hằng ngày.
Theo kết quả quan trắc của Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), giá trị và trữ lượng tại các tầng nước khu vực Tây Nguyên năm 2017 đều giảm. Cụ thể, ở tầng chứa nước lỗ hổng bồi tích hiện đại, mực nước giảm 1,82 m so với trung bình nhiều năm trước; ở tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pliocen Pleistocen: giá trị giảm 7,6 m; tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng vỉa các thành tạo đầm hồ tràm tích Neogen: giảm 6,49 m. |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc