Multimedia Đọc Báo in

Quà tặng ngày Tết: Nông sản sạch lên ngôi

08:40, 09/02/2018

Khác với những năm trước, năm nay giỏ quà Tết từ các loại nông sản sạch, lạ, tốt cho sức khỏe đang là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người.

Nói đến giỏ quà Tết, nhiều người thường liên tưởng đến các mặt hàng cao cấp hay rượu ngoại đắt tiền nhưng năm nay người dân chuyển hướng  sang sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng để làm quà tặng. Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ một doanh nghiệp trên đường Nguyễn Duy Trinh, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, thay vì mua giỏ quà với bánh, mứt, kẹo và rượu vang làm quà Tết như mọi năm thì năm nay chị chọn mua các loại trái cây, rau củ, rượu gạo, trà thảo mộc có nguồn gốc rõ ràng tại các mối hàng quen thường mua để tặng cho các đối tác. Còn với các công nhân lập nghiệp xa quê, quà mang theo khi họ về Tết là các mặt hàng đặc sản riêng của Đắk Lắk như cà phê, ca cao, măng khô, hạt điều, mắc ca…

Hộp quà Hương sắc Tây Nguyên thu hút sự quan tâm của khách du lịch cũng như người dân địa phương.
Hộp quà Hương sắc Tây Nguyên thu hút sự quan tâm của khách du lịch cũng như người dân địa phương.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bên cạnh trưng bày các giỏ quà có sẵn thì các cửa hàng, siêu thị tại TP. Buôn Ma Thuột còn nhận gói quà theo nhu cầu của khách hàng. Anh Nguyễn Cường, chủ một cửa hàng quà tặng trên đường Mai Hắc Đế cho biết, giỏ quà tại cửa hàng có giá dao động từ 200.000-1.500.000 đồng. Đa phần người tiêu dùng thường lựa chọn hàng hóa thiết thực với cuộc sống như hồ tiêu, cà phê, ca cao, trà thanh nhiệt, tinh bột nghệ… Còn tại các cửa hàng thực phẩm năm nay cũng gói quà Tết cho khách hàng. Chị Trần Ngọc Đan Thùy, chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn cho biết, từ đầu tháng 10-2017 chị đã liên hệ với các công ty, HTX sản xuất rau trên địa bàn và các tỉnh lân cận để đặt hàng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết. Theo đó các giỏ, thùng quà chủ yếu chứa các loại rau, củ, quả hữu cơ như xà lách, dưa leo, cà chua, cam, quýt, nho... có giá trị tương ứng từ 300.000-400.000 đồng.

Người tiêu dùng lựa chọn nông sản làm giỏ quà tại một cửa hàng thực phẩm an toàn trên đường Hoàng Diệu, TP. Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng lựa chọn nông sản làm giỏ quà tại một cửa hàng thực phẩm an toàn trên đường Hoàng Diệu, TP. Buôn Ma Thuột.

Với mục tiêu quảng bá cho nông sản Đắk Lắk, năm nay Công ty Truyền thông sự kiện Pro đã thiết kế hộp quà đặc sản Hương sắc Tây Nguyên hình hộp chữ nhật bằng gỗ khắc laser các hình ảnh tượng trưng của nhà dài Êđê, cà phê, hoa văn thổ cẩm. Hộp quà chứa 5 sản phẩm thuộc các nông sản đặc trưng của Đắk Lắk gồm mật ong, hạt kơnia, sachi, kẹo cà phê, tinh bột nghệ viên mật ong. Các sản vật đều được sản xuất theo hướng hữu cơ Organic và đóng gói cẩn thận, tỉ mỉ trong các hũ thủy tinh nhằm giữ mùi vị, hương thơm trong quá trình bảo quản, vận chuyển. Anh Phạm Thanh Tuấn, Trưởng Phòng kinh doanh Công ty cho biết, trên thực tế Đắk Lắk có rất nhiều nông sản mang tầm thế giới, nhưng giá trị kinh tế lại thấp do đa phần đều là bán thô nên nông dân hưởng lợi rất ít trong cơ cấu lợi nhuận của chuỗi nông sản. Bên cạnh đó, du khách đến tham quan du lịch nhiều nhưng thị trường quà lưu niệm mang đặc trưng riêng của Đắk Lắk lại gần như không có. Do đó hộp quà Hương sắc Tây Nguyên được thiết kế với mục đích làm quà Tết và quà lưu niệm để khách du lịch mua khi đến thăm Đắk Lắk.

Khi cuộc sống ngày càng được nâng cao thì người dân càng quan tâm đến vấn đề sức khỏe và việc lựa chọn quà tặng bằng các nông sản sạch là xu hướng tất yếu. Do vậy, những giỏ quà mang những nét đặc trưng trên không chỉ làm đa dạng thị trường giỏ quà Tết mà còn góp phần phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng bền vững.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.