Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên huyện Krông Ana tiên phong trong phát triển kinh tế

16:59, 11/02/2018

Năng động, nhạy bén cùng tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Krông Ana đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu.

Anh Lưu Văn Dũng (thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na) là một trong những gương điển hình tiêu biểu của thanh niên Krông Ana về phát triển kinh tế. Qua thời gian tìm tòi, học hỏi trên sách báo cũng như kinh nghiệm của những người đi trước, anh Dũng đã gây dựng cho mình được một gia trại chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp cho thu nhập bình quân 300 triệu đồng mỗi năm. Khởi đầu từ các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do Trạm Khuyến nông, Huyện Đoàn tổ chức, cùng với vốn vay, anh Dũng đã quyết định cải tạo diện tích mặt nước rộng gần 1 ha của gia đình để thả 9.000 con cá giống các loại và 1.000 con vịt. Tuy nhiên, ngay trong lứa nuôi đầu tiên, do ảnh hưởng của mưa bão thất thường đã khiến cá và vịt bị chết gần hết, anh Dũng gần như trắng tay. Không nản chí, từ nguồn vốn khởi nghiệp Huyện Đoàn hỗ trợ, anh Dũng tiếp tục đầu tư mua giống cá và vịt. Nhờ chăm sóc và nuôi dưỡng đúng kỹ thuật, vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, chỉ sau 3 năm, anh Dũng đã trả được số tiền vay trước đó và có điều kiện để mở rộng diện tích chăn nuôi. Hiện anh đang sở hữu hơn 4 ha ao nuôi cá, 5.000 con vịt lấy thịt và đẻ trứng. Cùng với việc chăn nuôi, anh còn trồng 700 trụ tiêu xen cà phê, thuê 2 ha đất để trồng lúa và khoai lang. Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt đã đem lại cho anh nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động (với mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng). Từ thành công của mình, anh Dũng đã phổ biến, hướng dẫn cách nuôi trồng cho nhiều thanh niên tại địa phương, đồng thời vận động đoàn viên, thanh niên cùng tham gia phong trào lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế để nâng cao đời sống.

Anh Lưu Văn Dũng tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá, thả vịt.
Anh Lưu Văn Dũng tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá, thả vịt.

 

Anh Lưu Văn Dũng và chị Lã Thị Thanh Tuyền là 2 trong 26 thanh niên nông thôn thi đua sản xuất giỏi được Tỉnh Đoàn tuyên dương trong chương trình “Ngày hội thanh niên nông thôn tỉnh Đắk Lắk năm 2017”.

Chị Lã Thị Thanh Tuyền (thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăl) được xem là thanh niên đầu tiên tại địa phương xây dựng thành công mô hình trồng khoai lang Nhật Bản sạch, đem lại nguồn thu nhập cao. Thông qua các buổi hội thảo giới thiệu các mô kinh tế, chị được tiếp cận và biết đến cây khoai lang Nhật Bản nên từ năm 2013, chị đã mạnh dạn chuyển đổi 8 sào lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng khoai lang. Tuy nhiên, do chưa nắm vững kỹ thuật canh tác nên chất lượng khoai không đạt, chị Tuyền đã lặn lội sang tận huyện Krông Nô (Đắk Nông) học hỏi kinh nghiệm để biết cách chọn giống, chăm sóc, bón phân, nhờ đó mà năng suất khoai không ngừng tăng lên, từ 15 tấn lên 25 tấn/ha. Đến nay, chị đã mở rộng diện tích trồng khoai lên 6 ha, với giá bán từ 9-10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chị thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ha. Theo chị Tuyền, trồng khoai khâu quan trọng nhất là xử lý đất, nếu khâu làm đất tốt thì sẽ hạn chế được mầm bệnh, không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn bảo đảm được năng suất. Nhận thấy việc trồng khoai lang mang lại hiệu quả cao hơn so với trồng lúa, lại không tốn nhiều công chăm sóc, Đoàn xã đã vận động, khuyến khích nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn nhân rộng mô hình, nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình và bản thân.

Chị Lã Thị Thanh Tuyền chăm sóc vườn khoai lang của gia đình.
Chị Lã Thị Thanh Tuyền chăm sóc vườn khoai lang của gia đình.

Anh Dũng và chị Tuyền chỉ là hai trong số hàng trăm thanh niên tiêu biểu cho phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp ở huyện Krông Ana. Với mong muốn giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thông qua 48 tổ tiết kiệm và vay vốn, từ nguồn vốn ủy thác do Đoàn quản lý hơn 37 tỷ đồng đã cho 181 đoàn viên, thanh niên vay làm ăn. Đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên  tham quan, học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả, phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp dạy nghề cho thanh niên. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, trở thành những tấm gương tiêu biểu để đông đảo đoàn viên thanh niên học tập, phát triển kinh  tế, vươn lên làm giàu trên  mảnh đất quê nhà.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.