Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo nhờ xoài trái mùa

09:53, 06/02/2018

Năm 2001, gia đình chị Nguyễn Thị Hoài chuyển từ tỉnh Thái Bình vào Bình Phước lập nghiệp, tuy nhiên cuộc sống không ổn định.

Năm 2008, gia đình chị chuyển đến thôn 2, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn) sinh sống. Ban đầu, chị mua 1 ha đất để trồng điều và hoa màu, nhưng năm được mùa, năm mất mùa, giá cả lại bấp bênh. Sau khi tìm hiểu, chị nhận thấy đất ở đây phù hợp với cây xoài, nên quyết định tìm giống xoài có giá trị kinh tế cao về trồng.

Trong một lần ra cơ sở giống cây trồng của Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên mua giống cây ăn trái, chị biết đến giống xoài Đài Loan dễ trồng, ít công chăm sóc, tỷ lệ đậu trái khá cao, quả to, thịt dày, hạt mỏng, điều đặc biệt là cây ra quả ngay sau một năm trồng. Vì vậy, năm 2012, chị Hoài mạnh dạn đầu tư trồng thử 4,5 sào, với 100 gốc xoài, giá mỗi cây giống là 25.000 đồng. Để nâng hiệu quả kinh tế từ cây xoài, chị Hoài học tập kinh nghiệm từ các nhà vườn ở miền Tây thúc cho cây xoài ra quả 2 vụ/năm (trái vụ từ tháng 11 đến giáp Tết Nguyên đán và chính vụ vào tháng 3). Chị Hoài chia sẻ: “Xoài chính vụ vào tháng 3 có sản lượng cao, nhưng xoài trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế vì cung ứng được cho thị trường dịp tết. Để có xoài trái vụ, ngay từ đầu tháng 7 phải xử lý bằng cách xới đất ở gốc cây cho đều, sau đó tưới nước cho cây rồi rải thuốc kích thích cây ra hoa. Sau đó tiếp tục tưới nước cho thuốc rút lên thân, sang tuần thứ 2 dùng phân bón gốc và sau đó chỉ tưới nước đến khi cây ra hoa… Thời gian từ khi xử lý đến thu hoạch khoảng 4 - 5 tháng”.

Chị Nguyễn Thị Hoài bên vườn xoài trái vụ.
Chị Nguyễn Thị Hoài bên vườn xoài trái vụ.

 

 

“Nhìn thấy hiệu quả của vườn xoài gia đình chị Nguyễn Thị Hoài, chúng tôi cũng mong muốn cây xoài Đài Loan trở thành một trong những cây trồng chủ lực ở xã Ea Huar. Tuy nhiên, để cây xoài ra quả trái vụ cần phải tuân thủ quy trình kỹ thuật hết sức nghiêm ngặt. Do đó, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ đắc lực về mọi mặt của chính quyền, các ngành các cấp”.

 

Ông Nguyễn Đức Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn)

 

Hiện nay, vườn xoài nhà chị Hoài đã được hơn 5 năm tuổi, trung bình một cây cho khoảng 50 - 60 quả, trọng lượng mỗi quả từ 1kg - 1,5kg. Trước đây, khi mới trồng và chăm sóc, mỗi vụ thu hoạch chỉ được 2 tấn, nhưng đến vụ tháng 11 vừa rồi, chị Hoài đã thu hoạch được hơn 4 tấn xoài, với giá dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn hơn 70 triệu đồng, cao gấp 3 lần so các cây trồng khác. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của vườn xoài trái mùa nhà chị Hoài, nhiều nông dân ở xã Ea Huar đã đến học hỏi kinh nghiệm và trồng thử tại vườn nhà mình.

Theo chị Hoài, giống xoài trái mùa này tuy “dễ tính”, thích ứng với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau, nhưng phải lưu ý cây xoài cần được trồng trên đất tơi mục, bảo đảm đủ ẩm và có nhược điểm dễ bị sâu đục thân, vậy nên cần thường xuyên thăm nom vườn để phát hiện, sử dụng thuốc ngăn chặn kịp thời.

Nói về đầu ra của xoài Đài Loan, chị Hoài hồ hởi: “Nhu cầu về loại quả này cao, những vụ thu hoạch gần đây đã có nhiều lái buôn đến bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu. Vì vậy, tôi đang mở rộng diện tích xoài Đài Loan lên 150 gốc”.

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.