Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở Ea Kar: "Loay hoay" với tiêu chí hộ nghèo

10:15, 05/02/2018

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ, để được công nhận xã đạt tiêu chí số 11 về xây dựng nông thôn mới ở khu vực Tây Nguyên phải bảo đảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 7% trở xuống. Đây đang là thách thức lớn trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện Ea Kar, bởi khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều xã tăng lên rất cao và việc giảm nghèo ngày càng khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sô Võ Đức Lâm, tiêu chí hộ nghèo là “nút thắt” khó gỡ đối với chính quyền và người dân địa phương. Toàn xã có trên 32.000 ha đất nhưng chủ yếu là đồi núi, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng các loại cây trồng. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã theo chuẩn nghèo đa chiều vẫn ở mức cao, chiếm 61%. So với quy định giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7% thì không biết đến bao giờ xã mới có thể đạt được.

Người dân buôn  Cư Ana Săn, xã Ea Sô  nhận  gia công  bóc  hạt điều  kiếm thêm thu nhập.
Người dân buôn Cư Ana Săn, xã Ea Sô nhận gia công bóc hạt điều kiếm thêm thu nhập.

Do những khó khăn trên mà nhiều hộ nghèo của xã dù đã được tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi… nhưng vẫn không thể vươn lên thoát nghèo. Gia đình chị Nông Thị Điệp vào định cư ở thôn 5, xã Ea Sô đã 10 năm nhưng đến nay vẫn chỉ có 1 sào đất trồng rau, căn nhà tôn dựng tạm vẫn chưa nâng cấp được. “Nhà nước cho hộ nghèo vay vốn nhưng gia đình không dám vay vì không có đất để đầu tư sản xuất, lấy gì mà trả nợ, nghèo cứ hoàn nghèo”, chị Điệp phân bua. Theo Trưởng thôn 5 Nguyễn Ngọc Vương, toàn thôn có 168 hộ thì có đến 42 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo. Đa phần hộ nghèo đều không có vốn, đất đai, kinh nghiệm sản xuất, gia đình đông con, có người già, khuyết tật, neo đơn nên việc giảm nghèo càng thêm khó khăn.

Không chỉ ở xã Ea Sô mà nhiều xã trên địa bàn huyện Ea Kar vẫn đang “loay hoay” thực hiện tiêu chí hộ nghèo. Trên thực tế, các xã Cư Bông, Cư Prông, Cư Elang, Ea Sar, Ea Păl… đều có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo từ 40% trở lên. Phó Chủ tịch UBND xã Cư Bông Phan Duy Trung cho biết, toàn xã có 1.539 hộ thì có đến 1.038 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm tỷ lệ 67,44%, trong đó có buôn Egal 100% hộ nghèo; buôn Ebô 85,71% hộ nghèo, 14,29% hộ cận nghèo; buôn Trưng 59,17% hộ nghèo, 18,93% hộ cận nghèo; thôn 16 có 59,42% hộ nghèo, 13,04% hộ cận nghèo… Đến cuối năm 2017, xã mới đạt và cơ bản đạt 10 tiêu chí nông thôn mới và chưa biết đến bao giờ xã có thể cán đích.

Nhiều căn nhà của các hộ dân ở buôn Trưng, xã Cư Bông vẫn đang là nhà tạm.
Nhiều căn nhà của các hộ dân ở buôn Trưng, xã Cư Bông vẫn đang là nhà tạm.

 

Trong số 14 xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Ea Kar, đến nay mới chỉ có 3 xã đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo gồm: Ea Ô, Ea Tyh và Ea Kmút. Huyện phấn đấu trong năm 2018 có thêm 2 xã đạt tiêu chí hộ nghèo là Cư Ni và Ea Đar.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, huyện Ea Kar có 8.220 hộ nghèo, chiếm 22,85% dân số; 3.991 hộ cận nghèo, chiếm 11,09%. Huyện đề ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 22,85% năm 2016 xuống còn 7% vào cuối năm 2020 (giảm bình quân từ 3% - 3,5%/năm); giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 11,09% xuống 5%.

Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, huyện Ea Kar cần nguồn vốn ước khoảng 510 tỷ đồng. Bên cạnh huy động vốn từ các nguồn như ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo, vận động cộng đồng đóng góp giúp hộ nghèo về nhà ở, đời sống, vốn đầu tư phát triển hạ tầng, vốn lồng ghép…, huyện cũng sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc vận động, trợ giúp, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, phát triển kinh tế. Cùng với đó, huyện đặc biệt chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm, giúp hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ 30-50 triệu đồng/hộ để phát triển kinh tế; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; xây dựng, nhân rộng và duy trì các mô hình làm ăn hiệu quả...

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.