Thu ngân sách Nhà nước năm 2017 - Dấu ấn từ ngành Thuế
Năm 2017, thu ngân sách Nhà nước (tính riêng thuế, phí và lệ phí) của tỉnh đã đạt 3.870 tỷ đồng, bằng 110% dự toán pháp lệnh, 102,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 17,3% so với năm 2016. Đây là năm đầu tiên thu NSNN của tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu do HĐND tỉnh giao, tính từ 6 năm qua.
Để đạt được kết quả đó, rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ đầu năm 2017, ngành Thuế tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai mạnh mẽ các giải pháp thu, kiểm soát nguồn thu, tăng cường chống thất thu thuế, thu hồi nợ đọng. Thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng nộp thuế, nhất là kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp giải thể, đóng mã số thuế, ngừng, nghỉ kinh doanh; rà soát các tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh mới để đưa vào quản lý thuế, tăng cường công tác quản lý kê khai, chất lượng kê khai thuế của người nộp thuế. Ngoài ra, ngành Thuế cũng tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hồ sơ kê khai thuế, yêu cầu các doanh nghiệp giải trình khi báo cáo lỗ kéo dài. Việc kiểm soát kê khai thuế của doanh nghiệp được triển khai ngày càng đồng bộ, chặt chẽ.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn phát biểu tại cuộc họp về chống thất thu ngân sách. Ảnh: N. Duy |
Thế nhưng, dấu ấn nổi bật nhất của ngành Thuế tỉnh trong năm 2017 chính là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT) mà trọng tâm là cắt giảm thời gian làm thủ tục thuế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, ngày 28-4-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngành đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều biện pháp như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và tự động hóa hầu hết các chức năng quản lý thuế; thực hiện tốt hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001: 2008 ở tất cả các khâu; tăng cường hoạt động hiệu quả ở bộ phận “một cửa”; duy trì đường dây nóng, tổ tư vấn, thường xuyên tổ chức tập huấn, đối thoại doanh nghiệp, NNT... Đặc biệt, Cục Thuế tỉnh đã tích cực triển khai việc khai thuế và nộp thuế điện tử, vì đây là hai thủ tục chiếm nhiều thời gian nhất của NNT. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT hoạt động hiệu quả. Ngành đã phối hợp, kịp thời tuyên truyền, hỗ trợ chính sách thuế, thủ tục về thuế cho hàng nghìn lượt NNT trên địa bàn bằng nhiều hình thức khác nhau.
Một dấu ấn khác không thể không nhắc đến, đó là ngành Thuế tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc và chống thất thu ngân sách do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh làm Trưởng ban; Thường trực Ban Chỉ đạo là lãnh đạo Cục Thuế tỉnh và các ủy viên là lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Ban Chỉ đạo xác định công tác thu ngân sách không chỉ của riêng ngành Thuế mà còn là nhiệm vụ chung của các cấp, ngành nên trong triển khai thực hiện đã có sự phối hợp chặt chẽ nhằm tìm ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khuyến khích đầu tư, tạo tiền đề quyết định tăng trưởng nguồn thu cũng như chống thất thu có hiệu quả. Sự ra đời của Ban Chỉ đạo đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước đến các địa phương. Qua đó, đã xây dựng và triển khai hiệu quả 10 đề án chống thất thu và đôn đốc nợ thuế, góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, nổi bật như Đề án chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tăng thu so với cùng kỳ năm 2016 trên 74 tỷ đồng; Đề án chống thất thu trong lĩnh vực khai khoáng đã truy thu và yêu cầu điều chỉnh tăng thêm trên 3 tỷ đồng; Đề án thu nợ và cưỡng chế nợ thuế đã khống chế được tỷ lệ nợ thuế dưới 5% của tổng nợ so với tổng thu thuế, phí và lệ phí (không bao gồm nợ khó thu và nợ chờ xử lý), đạt chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao, góp phần quan trọng để ngành Thuế hoàn thành chỉ tiêu thu thuế, phí…
Cán bộ Chi cục Thuế huyện Krông Pắc kiểm tra hóa đơn, chứng từ tại một doanh nghiệp. |
Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn, một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên kết quả trên là ngành Thuế đã đẩy mạnh các phong trào thi đua trong tập thể công chức và người lao động, nhằm đóng góp những ý tưởng sáng tạo, những giải pháp hữu ích trong công tác quản lý. Các tổ chức Đảng, đoàn thể hoạt động tích cực, đúng hướng nên đã thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của cán bộ, công chức và người lao động trong ngành phát triển sâu rộng, góp phần quyết định vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Thời gian tới, các đơn vị trong ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật thuế đến NNT; tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn thu, chống thất thu thuế trên từng lĩnh vực; đồng thời đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa hệ thống thuế. Cùng với đó, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu; chú trọng công tác phân tích, đánh giá và dự báo, nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu; đề xuất các giải pháp tham mưu cho lãnh đạo các cấp chỉ đạo, điều hành bảo đảm tiến độ thu; bám sát và nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đôn đốc NNT nộp đầy đủ, kịp thời các khoản phải nộp phát sinh vào ngân sách nhà nước…
Từ sự bứt tốc của ngành Thuế cho thấy, đây không chỉ là nhân tố mới góp phần lần đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của tỉnh kể từ năm 2010 đến nay mà hơn hết, đó là sự gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Bởi một khi có sự thi đua, nỗ lực, gắn với tinh thần trách nhiệm thì khả năng hoàn thành mục tiêu, kế hoạch sẽ sớm và chất lượng cao hơn.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc