Multimedia Đọc Báo in

Giảm nghèo nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế

08:49, 13/03/2018

Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền và người dân xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) đã không ngừng nỗ lực, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế bền vững giúp người dân từng bước giảm nghèo.

Về xã Khuê Ngọc Điền hôm nay, ai cũng dễ dàng cảm nhận được sự đổi thay rõ nét, những vùng đất cằn cỗi hay bị ngập nước bỏ hoang trước kia thì nay đã phủ một màu xanh của mía, của ngô và cỏ chăn nuôi. Cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày càng thay da đổi thịt.   

Bí thư Đảng ủy xã Khuê Ngọc Điền Nguyễn Văn Trương cho biết, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn khá cao, chiếm gần 30%; hộ cận nghèo gần 21%; thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 80% mức bình quân toàn tỉnh (16 triệu đồng so với 20 triệu đồng của toàn tỉnh). Trước tình hình đó, Đảng ủy, HĐND xã xây dựng nghị quyết về nhiệm vụ năm 2017, trong đó tập trung đẩy nhanh việc giảm nghèo từ 2%/năm lên 3%/năm trở lên với nhiều giải pháp quyết liệt, ưu tiên tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động… Theo đó, trong năm 2017, xã đã xây dựng và sửa chữa được 2,5 km kênh mương bảo đảm hàng chục héc-ta diện tích cây trồng trước đây bị thiếu nước có đủ nước tưới trong mùa khô; huy động các nguồn lực sửa chữa 13,9 km đường giao thông nông thôn và nội đồng; bê tông gần 2,5 km đường nội thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khuê Ngọc Điền (bìa phải) đến thăm mô hình trồng nghệ đỏ của hội viên tại thôn 3.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khuê Ngọc Điền (bìa phải) đến thăm mô hình trồng nghệ đỏ của hội viên tại thôn 3.

Thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/HU, ngày 27-12-2016 của Huyện ủy Krông Bông về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 – 2020, xã Khuê Ngọc Điền đã vận động, hướng dẫn người dân đưa những cây trồng phù hợp với đất đai vào canh tác. Nhằm tạo điều kiện cho người dân có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể đứng ra nhận ủy thác cho hơn 1.300 hộ dân vay vốn với tổng số vốn vay lũy kế đến nay là gần 25 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Khôi, người dân thôn 3 chia sẻ: “Gia đình tôi có 1 ha đất nông nghiệp nhưng cuộc sống cứ mãi túng thiếu do đất đai cằn cỗi, năng suất cây trồng chẳng đáng là bao. Hai năm trước, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, gia đình tôi chuyển đổi 1 ha đất nông nghiệp sang trồng mía. Đây là loại cây trồng không những phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây mà còn chịu ngập úng tốt vào mùa lũ. Mỗi năm gia đình tôi đều thu về 150 - 200 triệu đồng”.

Gia đình bà Phụng Thị Tứ ở thôn 3 mới thoát nghèo năm 2017 nhờ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội  để đầu tư trồng cỏ chăn nuôi bò.
Gia đình bà Phụng Thị Tứ ở thôn 3 mới thoát nghèo năm 2017 nhờ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng cỏ chăn nuôi bò.

Không chỉ chú trọng đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi phát triển sản xuất, xã Khuê Ngọc Điền còn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, xã còn tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chung tay xây dựng nông thôn mới …

Theo đánh giá của Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Trương, cùng với các loại cây truyền thống như ngô lai, lúa thì việc đưa các giống mới như cây mía, ớt, ngô trắng và các loại cây ăn trái vào trồng xen kẽ đã và đang đem lại kết quả khả quan, trở thành hướng phát triển kinh tế mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy xã cùng với sự hỗ trợ của cấp trên và nỗ lực của người dân, đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 trên địa bàn xã đã giảm 4,3% (từ 29,57% giảm xuống 25,27%), cao hơn mức trung bình của toàn huyện (3%) và vượt kế hoạch nghị quyết đề ra.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.