Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ nuôi ong

08:50, 13/03/2018

Nhận thấy diện tích đất đai, vườn cây của gia đình mình phù hợp với việc nuôi ong mật, đầu năm 2015 chị Nguyễn Thị Thu Hồng (thôn 23, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) đã mạnh dạn mua 100 đàn ong về nuôi.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn ong mật của gia đình chị Hồng sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay, sau 3 năm vừa nuôi và nhân giống, đàn ong mật của gia đình chị đã tăng lên hơn 150 đàn, trung bình một năm thu được 1.200 lít mật ong (bán với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/lít) và 650 kg phấn hoa (giá bán 180.000 đồng/kg). Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị có thu nhập hơn 150 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng bên mô hình nuôi ong của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng bên mô hình nuôi ong của gia đình.

Chị Hồng chia sẻ: Nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ. Người nuôi cần phải am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn và các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật, cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Để tăng đàn ong, cứ khoảng 2 năm tiến hành thay giống ong chúa đã già một lần, thường xuyên vệ sinh thùng, gỗ đóng thùng, nên chọn gỗ không có mùi. Mùa đông che chắn cẩn thận, không để ong bị lạnh, không để mưa, thấm ướt vào thùng. Mỗi thùng để khoảng 3-4 cầu ong; đến mùa xuân mật hoa nhiều hơn thì để 6 cầu ong. Điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi ong là chọn ong chúa. Nếu ong chúa khỏe mạnh thì cả đàn ong và những lứa sau sẽ khỏe mạnh, cho lượng mật nhiều, tiếp theo là nguồn phấn hoa phải là hoa nhãn, hoa cà phê và các loại hoa rừng sẽ cho chất lượng mật ong tốt.

Bên cạnh đó, việc phòng, chống bệnh cho ong cũng được đặt lên hàng đầu. Tuy nghề nuôi ong mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đây cũng là nghề khá vất vả, đòi hỏi sự chăm chỉ, chịu khó. Do đàn ong sống trong một quần thể lớn, bay rất nhiều nơi để kiếm phấn hoa nên khả năng nhiễm và lây lan bệnh rất cao, nhất là mùa hoa vải, nhãn, điều do người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình mình, chị Hồng còn giúp đỡ hàng chục hộ khó khăn ở địa phương cùng phát triển kinh tế như: cung cấp con giống; chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi để giúp họ phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo...

Hoàng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.