Nan giải thực hiện tiêu chí giao thông ở những xã nghèo
Được xem là tiêu chí “xương sống” trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng tiêu chí số 2 về giao thông cũng đang là gánh nặng trên đường về đích của rất nhiều địa phương.
Kết thúc năm 2017, Đắk Lắk chỉ mới có 42 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, bằng 27,6% tổng số xã, đặc biệt vẫn còn 2 huyện trắng về tiêu chí giao thông là huyện M’Đrắk và Ea Súp. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, mặc dù đã có cơ chế chính sách huy động nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm nhưng khi được triển khai tại các xã, nhất là 44 xã vùng III lại gặp nhiều khó khăn do dân cư sống rải rác, thu nhập của người dân còn thấp nên nguồn lực đóng góp trong dân không đáng kể so với khối lượng cần thực hiện, trong khi nhu cầu kinh phí dành cho xây dựng giao thông nông thôn lại rất lớn. Trong năm 2017, nguồn vốn trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là 203,87 tỷ đồng (gồm vốn sự nghiệp 43 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển 160,87 tỷ đồng), trong đó nguồn vốn đầu tư phát triển đã bố trí cho 109 xã (gồm 65 xã chưa được bố trí vốn giai đoạn 2011-2016 và 44 xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135 năm 2016) trên 65,5 tỷ đồng chủ yếu để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên con số này không thấm tháp vào đâu so với số lượng thực tế cần phải xây dựng để đạt được yêu cầu của tiêu chí giao thông.
Đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Cư Pui (huyện Krông Bông) đang còn rất cách trở. |
Đơn cử như Cư Êwi là xã vùng III của huyện Cư Kuin, với 5 thôn, buôn đặc biệt khó khăn, hiện xã còn 11 tiêu chí NTM chưa đạt, trong đó có tiêu chí giao thông. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã cho biết, đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã đang xuống cấp nghiêm trọng, rất khó khăn và cách trở cho việc lưu thông, giao thương của người dân trên địa bàn. Ngay đường liên xã cũng mới nhựa hóa được 4/8,9 km (44,9 %), trong khi theo yêu cầu của tiêu chí là phải đạt 100%. Ngoài ra, tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đường liên thôn được 6,76 km (33,6%), đường nội thôn được 3,5 km ( 5,5%), tỷ lệ cứng hóa đường nội đồng được 0,98 km (0,02%), trong khi những thành phần trên yêu cầu phải đạt từ 50% trở lên). Để đáp ứng được yêu cầu, xã cần đầu tư trên 10 tỷ đồng mới cơ bản hoàn thành tiêu chí này. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư cho giao thông trong năm 2017 cho 8 xã trên địa bàn huyện chỉ có 7,1 tỷ đồng. Điều này cho thấy rõ mức độ khó khăn về vốn đầu tư cho giao thông nông thôn ở các địa phương và để cán đích NTM sẽ cần một lộ trình dài hơi cho các xã khó khăn hoàn thành tiêu chí này.
Theo Ban chỉ đạo Xây dựng NTM huyện Cư Kuin, đến nay toàn huyện đã nhựa hóa, bê tông hóa các loại đường được 381,798 km, đạt tỷ lệ 35%, (gồm: đường liên xã, trục xã 84km, đạt tỷ lệ 81%; đường liên thôn, buôn 110 km (50%); đường nội thôn, buôn 169 km (34,9%); đường nội đồng là 34 km (12,1%), và huyện cũng mới có 1/8 xã đạt tiêu chí số 2 là xã Hòa Hiệp. Tiêu chí này đạt thấp là do toàn huyện còn 1 xã và 17 thôn, buôn đặc biệt khó khăn nên khó huy động được nguồn lực của người dân để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi đó nguồn vốn đầu tư từ Trung ương lại không nhiều.
Đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Ea Ral (huyện Ea H’leo) chủ yếu vẫn còn đường đất. |
Tương tự, ở huyện Krông Bông có đến 6/13 xã thuộc xã vùng III, hệ thống giao thông ở những xã này vô vùng khó khăn và trong 6 xã này chưa có xã nào đạt được tiêu chí số 2. Đơn cử như xã Yang Kang, đường ngõ xóm mới bê tông hóa được 22,7%, đường trục chính nội đồng vẫn chưa được cứng hóa; trục đường liên xã thì bị hư hỏng nặng chưa được sửa chữa. Theo số liệu của Phòng NN-PTNT huyện, hiện trên địa bàn huyện tổng số đường ngõ xóm cứng hóa không lầy lội vào mùa mưa 54,91 km bằng 50,98%; đường giao thông nội vùng 74,78km (20,87%). Năm 2017, kinh phí đầu tư giao thông cho các xã xây dựng NTM là trên 5,2 tỷ đồng; nhân dân đóng góp trên 5,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí được hỗ trợ quá ít, bên cạnh đó đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, mức thu nhập không cao, các doanh nghiệp trên địa bàn hầu như không có nên việc huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình rất khó thực hiện theo kế hoạch đề ra, nhất là trong việc đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở nông thôn. Hiện toàn huyện cũng mới có 2/13 xã đạt tiêu chí số 2.
Ban Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết, trong năm 2018 toàn tỉnh phấn đấu không có xã đạt dưới 5 tiêu chí; tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn... Để đạt được mục tiêu này, Ban điều phối đã tham mưu với tỉnh kiến nghị với các bộ ngành Trung ương xem xét bổ sung thêm vốn để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch đề ra.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc