Multimedia Đọc Báo in

Nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Dang Kang

09:18, 20/03/2018

Là một xã vùng 3 với gần 60% là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, kết cấu hạ tầng còn hạn chế… khiến cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã Dang Kang (huyện Krông Bông) đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sau gần 7 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, địa phương mới chỉ hoàn thành được 6/19 tiêu chí.

Xã Dang Kang có diện tích đất tự nhiên 2.838 ha, dân số hơn 6.400 người sinh sống tại 8 thôn, buôn. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã cho biết, Dang Kang là xã thuần nông, người dân chủ yếu trồng các loại cây truyền thống có giá trị kinh tế thấp. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, trên cơ sở rà soát các tiêu chí, Đảng ủy, UBND xã xác định mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân chính là “đòn bẩy”, là động lực để xây dựng thành công NTM.  Trên cơ sở đó, xã đã tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ vốn cho bà con làm ăn, phát huy tiềm năng đất đai và nguồn lao động sẵn có để cải thiện cuộc sống.

Buôn Cư Kô Êmông (xã Dang Kang) còn nhiều hộ phải sống trong những căn nhà  tạm bợ.
Buôn Cư Kô Êmông (xã Dang Kang) còn nhiều hộ phải sống trong những căn nhà tạm bợ.

Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên hiệu quả lao động, năng suất thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn ở mức cao 45,74%; thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 11,2 triệu đồng/năm.

Không chỉ loay hoay với tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, Dang Kang còn gặp khó khăn trong việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa và nhà ở. Nhà sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, buôn còn nhỏ hẹp và chưa đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó, tỷ lệ hộ dân trong xã có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng chỉ khoảng 67%, hiện còn khoảng 40 hộ đang phải sống trong những căn nhà tạm, dột nát.

Đường giao thông trục chính nội đồng của xã Dang Kang vẫn hoàn toàn là đường đất.
Đường giao thông trục chính nội đồng của xã Dang Kang vẫn hoàn toàn là đường đất.

 

 

“Sau 7 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay Dang Kang mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí gồm: Quy hoạch; thủy lợi; thông tin và truyền thông; lao động có việc làm; y tế; quốc phòng và an ninh. Mục tiêu của xã là đến năm 2025 sẽ về đích NTM. Tuy nhiên, với những ngổn ngang khó khăn như hiện nay thì mục tiêu này sẽ khó mà đạt được”.

 
 
Chủ tịch UBND xã Dang Kang Nguyễn Văn Hiệp

Ngoài ra, hệ thống lưới điện và đường giao thông trên địa bàn cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhiều hộ vẫn còn phải sử dụng đường điện xương cá, thiếu an toàn. Toàn xã còn tới 223 hộ sử dụng điện chưa an toàn. Trong khi đó, 21,62 km đường giao thông trục chính nội đồng của xã vẫn hoàn toàn là đường đất; đường ngõ xóm mới bê tông được 4,022 km/17,7 km, đạt tỷ lệ 22,7%; đường trục xã, liên xã đã bị hư hỏng nặng nhưng chưa được đầu tư sửa chữa…

“Vẫn biết người dân đóng vai trò chủ thể và là đối tượng hưởng lợi trước tiên từ chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn như hiện nay thì việc huy động sức dân để hoàn thành các tiêu chí là không khả thi.” – ông Nguyễn Văn Hiệp trăn trở.  

Theo kế hoạch, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Dang Kang sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực vào các tiêu chí có khả năng hoàn thành sớm như: xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hiệp, để thực hiện các tiêu chí này, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của người dân địa phương thì cũng rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành để Dang Kang có thể từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.