Nông dân trẻ thời công nghệ
Với nhiệt huyết và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, nhiều bạn trẻ đã biết tận dụng lợi thế từ Internet để học hỏi, mở mang kiến thức ứng dụng vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế, tìm đầu ra cho sản phẩm…
Kết nối thị trường cho nông sản
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Xây dựng, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đắk Lắk, do không xin được việc làm ổn định nên anh Trần Mạnh Linh (trú tổ dân phố 4, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) đi theo bố làm phụ hồ, bán sơn nước. Năm 2014, Linh xây dựng gia đình và được bố mẹ cho vợ chồng 2 ha đất rẫy tại buôn Ea M’thar, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (cách nhà 15 km). Tuy nhiên, do đất đai cằn cỗi, khó canh tác các loại cây truyền thống như tiêu, cà phê mà chủ yếu là trồng sắn, đậu, ngô vào mùa mưa, còn mùa khô thì gần như bỏ đất trống.
Nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cam, quýt do Thành Đoàn Buôn Ma Thuột tổ chức, Linh đã nhen nhóm ý tưởng ứng dụng vào rẫy nhà mình. Để có thêm kiến thức thực tế, Linh tham khảo sách, báo, đi tham quan, học hỏi các mô hình trồng cam, quýt tại một số tỉnh miền Tây. Đầu năm 2015, được Thành Đoàn Buôn Ma Thuột hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp 20 triệu đồng, cộng với Đoàn phường Thành Nhất hỗ trợ 2,5 triệu đồng, Linh mạnh dạn đầu tư mua giống cam, quýt về trồng và xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo rừng lai. Hiện, trang trại của Linh có 300 cây cam, 1.500 cây quýt đường và 3.000 m2 chuồng trại thường xuyên nuôi 10 heo rừng nái và trên 50 heo rừng lai bán thịt.
Anh Trần Mạnh Linh (trú tổ dân phố 4, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) truy cập Internet để tìm đầu ra ổn định cho nông sản của mình. |
Linh cho biết, cây cam, quýt đường phát triển nhanh, ít sâu bệnh, độ ngọt cao, sau hơn 1 năm trồng đã bắt đầu cho quả bói. Còn heo rừng lai được quy hoạch chuồng trại nuôi nên ít bị bệnh, nhanh lớn. Heo chủ yếu ăn các phụ phẩm nông nghiệp như trái cây, ngô, đậu, không tốn chi phí mua thức ăn cám tổng hợp. Theo tính toán, tổng chi phí đầu tư mô hình này khoảng 200 triệu đồng. Mùa thu hoạch bói bình quân 1 cây cam, quýt cho thu khoảng 20 kg, với giá bán tại vườn hiện nay 15 nghìn đồng/kg, Linh đã có thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Khi trưởng thành, mỗi cây có thể đạt năng suất từ 70-100 kg quả thì hiệu quả kinh tế tiếp tục được nâng lên.
Bên cạnh việc tăng gia sản xuất, hằng ngày Linh còn truy cập Internet, thông qua các diễn đàn buôn bán trên mạng xã hội tìm kiếm đầu mối tiêu thụ cho sản phẩm của mình. Nhờ cách làm này, nhiều bạn hàng từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước đã đến tận vườn nhà anh xem, đặt hàng. Anh Linh chia sẻ: “Đến nay, tôi đã ký kết được nhiều đơn hàng thu mua nông sản với giá ổn định. Cam, quýt đến kỳ thu hoạch là thương lái đến tận vườn thu mua. Heo rừng cũng được các nhà hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thu mua tận nơi với giá trên 100 nghìn đồng/kg, thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm”.
Diễn đàn hỗ trợ kỹ thuật
Về xã Ea Na, huyện Krông Ana hỏi thăm Phó Bí thư Chi đoàn thôn Quỳnh Ngọc 2 Lưu Văn Dũng hầu như ai cũng biết. Anh không chỉ nổi tiếng trong vùng mà nhiều người trong và ngoài tỉnh cũng biết đến anh thông qua trang Facebook “Dũng vui vẻ”. Có kinh nghiệm thực tiễn, cộng với việc chịu khó nghiên cứu học hỏi qua sách, báo, Internet, thông qua mạng xã hội, Dũng đã kết nối, hỗ trợ kỹ thuật trồng và canh tác, phòng ngừa sâu bệnh cho cây tiêu, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, vịt… cho nhiều nông dân trên cả nước hoàn toàn miễn phí.
Nhờ có 3,5 sào đất của gia đình, năm 2013 anh đã mạnh dạn vay 130 triệu đồng trồng 500 trụ tiêu, vét ao nuôi cá, mua giống lúa cao sản để trồng và đầu tư thêm đàn vịt 2.000 con. Anh Dũng cho hay, những năm đầu khi chưa biết gì về kỹ thuật, anh phải tự mày mò, tìm hiểu sách báo, tài liệu về chăm sóc tiêu, đồng thời tích cực tham gia các diễn đàn về nông nghiệp trên mạng xã hội để có thể trao đổi, học kinh nghiệm với người dân trên cả nước.
Anh Lưu Văn Dũng (ở thôn Quỳnh Ngọc 2, xã Ea Na, huyện Krông Ana) giới thiệu về mô hình trang trại tổng hợp. |
Lấy ngắn nuôi dài, anh tiếp tục thuê thêm đất bỏ hoang của một số người dân trong xã để trồng khoai lang Nhật, dưa hấu và đào thêm ao thả cá. Hiện nay quy mô trang trại tổng hợp của anh có 4 ha ao nuôi cá, 2 ha lúa nước, 3 ha khoai lang, 500 trụ tiêu, 1 ha dưa hấu và nuôi 3.000 con vịt chạy đồng mỗi lứa (2 lứa/năm), giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng và lao động thời vụ có thời điểm trên 20 người. Tổng thu nhập mỗi năm sau khi trừ chi phí khoảng gần 1 tỷ đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Dũng còn nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ cho nhiều nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thông qua mạng xã hội. Ông Y Phốt Bđap ở buôn Ea Mtar, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin có hơn 3 ha tiêu kinh doanh. Cuối năm 2017, vườn tiêu có dấu hiệu bị bệnh vàng lá khiến ông rất lo lắng. Thông qua facebook, anh Dũng đã hướng dẫn cách phòng trừ bệnh bằng thuốc kết hợp với việc đào hố quanh trụ tiêu bệnh sau đó rắc vôi bột và thuốc kháng bệnh, hạn chế được lây lan sang các cây khác trong vườn. Hay như trường hợp của anh Đặng Xuân Hoan ở thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, qua trang mạng xã hội, anh Dũng được tư vấn về cách phòng trị bệnh cho cá, nuôi thả thêm một số loại cá có năng suất cao, thị trường ưa chuộng như diêu hồng, chạch bùn…
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc