Multimedia Đọc Báo in

Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương

06:49, 24/03/2018

Trong khi rất nhiều thanh niên lựa chọn con đường ly hương để lập thân lập nghiệp thì anh Nguyễn Thanh Minh, ở thôn Tri C2, xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo) đã thực hiện được ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình và trở thành tấm gương sáng cho đoàn viên thanh niên học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, anh Minh quyết định trở về quê thực hiện ước mơ sản xuất nông nghiệp. Xuất thân trong một gia đình thuần nông nên những công việc chăn nuôi, trồng trọt đối với anh không còn xa lạ. Tuy nhiên, làm thế nào để sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao lại là điều khiến anh luôn trăn trở.

Cán bộ Huyện Đoàn Ea H'leo (bìa phải) đến thăm mô hình kinh tế của anh Nguyễn Thanh Minh.
Cán bộ Huyện Đoàn Ea H'leo (bìa phải) đến thăm mô hình kinh tế của anh Nguyễn Thanh Minh.

Năm 2012, nhận thấy cây bơ Booth đang “lên ngôi”, có giá trị kinh tế cao, anh Minh đã mạnh dạn nhổ bỏ một phần vườn cà phê già cỗi để trồng bơ. Trong quá trình tìm hiểu kỹ thuật, anh Minh phát hiện cây bơ có thể sống rất “hòa thuận” với cây tiêu nên quyết định phá bỏ toàn bộ 2 ha cà phê để trồng bơ xen tiêu. Trong khi chưa thể giải được “bài toán” về năng suất, anh Minh chọn phương án mở rộng diện tích để lấy số lượng bù năng suất. Tằn tiện chi tiêu, cứ sau mỗi vụ thu hoạch anh lại đầu tư mở rộng diện tích canh tác. Cùng với đó, anh mày mò tìm hiểu thêm kỹ thuật chăm sóc cây trồng trên sách báo và học hỏi kinh nghiệm từ những người có thâm niên trong nghề. Khi đã nắm vững kỹ thuật anh không mở rộng thêm diện tích nữa mà tập trung chuyên canh trên 8 ha. Nhờ được chăm sóc bài bản, vườn tiêu xen bơ của anh cho năng suất rất cao.

Thấy rõ hiệu quả kinh tế của cây bơ, anh Minh đã tự mày mò cách ươm và chiết nhân giống. Lúc đầu, anh gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật chọn đất, che chắn vườn và cách phòng bệnh nên cây sống đạt tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, nhờ quyết tâm trong cách nghĩ, cách làm và nắm bắt kịp thời khoa học kỹ thuật nên đến nay vườn ươm của anh đã trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân địa phương và các vùng lân cận. Được sự động viên của gia đình, anh lại tiếp tục đầu tư mua thêm đất, đào ao nuôi cá kết hợp chăn nuôi.

Anh Nguyễn Thanh Minh đang chăm sóc vườn ươm cây giống.
Anh Nguyễn Thanh Minh đang chăm sóc vườn ươm cây giống.

Không dừng lại ở đó, năm 2017, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho cây bơ theo hướng hàng hóa, anh Minh đã mạnh dạn đề xuất với Huyện Đoàn cùng phối hợp, kêu gọi các hộ nông dân trồng bơ trên địa bàn mở Hợp tác xã bơ sạch huyện Ea H’leo. Tuy chỉ mới thành lập được vài tháng nhưng hợp tác xã đã có gần 10  thành viên tham gia, diện tích sản xuất trên 20 ha với vốn điều lệ 100 triệu đồng. Hợp tác xã bơ sạch huyện Ea H’leo ra đời đã giúp cho các hộ nông dân tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Sau 6 năm khởi nghiệp, dù mới chỉ ở tuổi 36 nhưng bằng sự nỗ lực của mình, anh Minh đã nhanh chóng gây dựng được cho mình một trang trại tổng hợp với diện tích 14 ha, cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm. Trang trại của anh còn tạo việc làm ổn định cho 14 thanh niên ở địa phương với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Minh còn nhiệt tình hỗ trợ giống cây trồng, kỹ thuật chăm sóc giúp thanh niên trong xã vươn lên phát triển kinh tế.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.