Multimedia Đọc Báo in

Siết chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

09:06, 07/03/2018

Hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn hiện đã giảm mạnh về cả số doanh nghiệp (DN) và người tham gia, nhưng ngày càng biến tướng một cách tinh vi. Các cơ quan chức năng của tỉnh đang tìm cách tăng cường quản lý chặt hoạt động này.

Đã bớt rầm rộ

Theo Sở Công thương, trong năm 2017, Sở đã xác nhận thông báo bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh cho 4 DN (Công ty TNHH CNI Việt Nam, Công ty TNHH World Việt Nam, Công ty TNHH MTV Naturally Plus Việt Nam và Công ty TNHH Người lái xe mặt trời Việt Nam) nâng số DN được xác nhận thông báo lên 31 DN. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 10 DN đã thông báo chấm dứt hoạt động. Như vậy, toàn tỉnh chỉ còn có 21 DN đang hoạt động ở lĩnh vực này (giảm 6 DN so với cuối năm 2016).

Địa điểm từng làm việc của Cơ sở Thiên Ngọc Minh Uy trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đã chấm dứt hoạt động  từ giữa năm 2017.
Địa điểm từng làm việc của Cơ sở Thiên Ngọc Minh Uy trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đã chấm dứt hoạt động từ giữa năm 2017.

Các mặt hàng của DN bán hàng đa cấp chủ yếu là hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hỗ trợ sức khỏe, hàng gia dụng... Một trong những DN có quy mô kinh doanh đa cấp lớn trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân với 2.339 người tham gia, Công ty TNHH MVT New Image Việt Nam: 1.429 người tham gia; Công ty TNHH Amway Việt Nam có 776 người tham gia. Tính chung toàn tỉnh có 5.000 người tham gia bán hàng đa cấp. Theo số liệu báo cáo từ các DN kinh doanh đa cấp trên địa bàn thì tổng số hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế mà họ đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp từ hoạt động này năm 2017 đạt 6,2 tỷ đồng/tổng doanh thu gần 38 tỷ đồng. Trong đó, mức chi hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế trung bình nằm ở Top cao nhất là Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam (trên 5,5 triệu đồng), tiếp đó là Công ty TNHH Amway Việt Nam (trên 3,9 triệu đồng), Công ty TNHH thương mại Lô hội (3,6 triệu đồng)... Như vậy, những con số  trên phần nào cho thấy, hoạt động bán hàng đa cấp không còn là phương thức kinh doanh “khá dễ dàng” để làm giàu cho những người tham gia như trước đây.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương, thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh lại diễn ra với nhiều biến tướng và hoạt động không theo quy định gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Một trong những DN có quy mô hoạt động lớn và ảnh hưởng trên địa bàn là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Công ty này (có trụ sở chính tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) từng có 5 điểm hoạt  động bán hàng đa cấp tại địa phương. Từ khi đi vào hoạt động (từ năm 2014), các điểm bán hàng đa cấp của Công ty trên địa bàn Đắk Lắk có doanh thu đạt gần 52,4 tỷ đồng, với sản phẩm kinh doanh đa cấp là thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, kim khí điện máy, mỹ phẩm, hàng may mặc... và đã thu hút 280 người tham gia bán hàng đa cấp. Tháng 6-2017, cơ quan quản lý đã chính thức chấm dứt hoạt kinh doanh đa cấp đối với Công ty này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vì có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời có phương án tiếp nhận khiếu nại, hướng dẫn người tham gia bán hàng đa cấp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình; giám sát chặt chẽ hoạt động của Công ty nhằm bảo đảm công ty này không hoạt động bán hàng đa cấp nữa theo thông báo chấm dứt.

Cần sớm “bịt” những lỗ hổng

Trên thực tế, công tác quản lý, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, hầu hết các DN kinh doanh đa cấp trên địa bàn là DN liên doanh nước ngoài, có trụ sở hoặc văn phòng làm việc ở ngoài tỉnh, chỉ có người đại diện là một người bất cứ đứng tên kèm theo chứng minh nhân dân nhưng lại không có tư cách pháp nhân nên rất khó khăn trong kiểm tra, giải quyết các vấn đề liên quan.  Thêm vào đó, hoạt động đa cấp ngày càng lan rộng, nhất là vùng nông thôn, vùng xa, trong khi đó nhận thức của người dân khu vực này còn hạn chế. Các công ty đa cấp lại “đánh” vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, “làm ít hưởng nhiều” mà không cần trình độ, bằng cấp… khiến nhiều người bị “cuốn” vào vòng xoáy.

Một nạn nhân của phương thức bán hàng đa cấp ở Buôn Đôn.
Một nạn nhân của phương thức bán hàng đa cấp ở huyện Buôn Đôn.

Trước bối cảnh đó, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các biện pháp quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với các DN kinh doanh và người tham gia theo phương thức đa cấp trên địa bàn. Theo đó, tập trung kiểm tra nguồn gốc, chất lượng, xuất xứ hàng hóa, nghĩa vụ đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền, việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, kê khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế của DN và người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương… nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa,  xử lý các hành vi thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa. Đặc biệt, tăng cường quản lý, giám sát DN hoạt động trong lĩnh vực này để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc huy động tài chính. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp, những thủ đoạn lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân được biết và chủ động phòng ngừa, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia bán hàng đa cấp bất chính.

Để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh đa cấp cũng như góp phần hoàn thiện chế tài pháp luật ở lĩnh vực này, Sở Công thương cũng đã kiến nghị một số vấn đề lên Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để sửa đổi, bổ sung một số quy định của  Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14-5-2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể, khi mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp ra các tỉnh, DN kinh doanh đa cấp phải thành lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh đặt tại địa phương (tức có địa điểm hoạt động chính thức tại tỉnh), có như vậy mới quản lý được các hoạt động của thành viên mạng lưới bán hàng đa cấp; cần quy định rõ DN chỉ được phép bán hàng theo phương thức đa cấp các sản phẩm mà DN tự sản xuất được nhằm hạn chế số lượng DN bán hàng đa cấp phát sinh. Đặc biệt, chỉ cho phép DN  bán hàng đa cấp tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo… tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi DN có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện; bổ sung thẩm quyền của Sở Công thương trong việc thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của DN tại địa phương… để thực hiện công tác quản lý hoạt động này tốt hơn.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.