Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk hướng đến vùng sản xuất xanh, bền vững

07:53, 25/04/2018
Nhằm tạo đà cho Đắk Lắk trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực, ngày 9-3-2018 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 286/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó phấn đấu đến năm 2020, kinh tế Đắk Lắk đi theo hướng “xanh” (chú trọng môi trường sinh thái), bền vững, khai thác các lợi thế phát triển theo chiều sâu, liên kết mở, hội nhập khu vực và quốc tế. Để thực hiện điều đó, Thủ tướng cũng phân cấp nhiệm vụ riêng cho từng ngành, trong đó đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp với chiến lược riêng. Cụ thể là phấn đấu đến năm 2020, cơ cấu toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong tổng sản phẩm (GRDP) toàn tỉnh chiếm 38,5 - 39,5% và 19 - 20% vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,5 - 5%/năm và duy trì 4 - 4,5%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Chuyển dịch cơ cấu nông lâm thủy sản theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp (từ rừng trồng) và dịch vụ nông nghiệp, giảm tỷ trọng của ngành trồng trọt và khai thác rừng tự nhiên; ưu tiên ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm gia tăng giá trị ngành hàng nhưng vẫn bảo đảm môi trường…

Vườn cà phê đạt chứng nhận UTZ ở huyện Krông Pắc.
Vườn cà phê đạt chứng nhận UTZ ở huyện Krông Pắc.

Trên thực tế, việc phát huy vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên đã được ngành Nông nghiệp Đắk Lắk nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua với những thành tựu nhất định. Điển hình là năm 2017 khi nền nông nghiệp cả nước có chiều hướng chững lại do tác động của thị trường và biến đổi khí hậu, thì giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng 6,7% so với năm 2016. Trong đó, nông nghiệp tăng 6,5 %, lâm nghiệp tăng 11,7%, thủy sản tăng 16,3%, tốc độ tăng trưởng đạt 4,52%. Điều đáng mừng là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng được nhân rộng thông qua việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất như gà tây, bò nhập ngoại, lúa lai, ngô lai, chanh, cà phê cao sản… theo quy mô lớn với các phương tiện sản xuất nông nghiệp hiện đại đi kèm như hệ thống tưới tiết kiệm nước, sử dụng đồng loạt các loại máy móc trong khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp tiên phong trong sản xuất xanh, bền vững theo hướng hữu cơ, VietGAP, Global GAP như trồng rau của Công ty TNHH H.T FARM (TP. Buôn Ma Thuột), chăn nuôi heo khép kín của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh Phát (huyện Buôn Đôn), xoài tại xã Cư M’lan (huyện Ea Súp)… đã từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân và người tiêu dùng. Việc liên kết sản xuất cà phê đạt chất lượng cao theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế như Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, UTZ, 4C, Rainforest gắn với chuỗi từ nông dân đến doanh nghiệp chế biến tiêu thụ tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, Công ty TNHH MTV Cà phê 15, các HTX Nông nghiệp Dịch vụ công bằng… đã góp phần thúc đẩy ngành hàng tiếp tục phát triển.

Nuôi heo VietGAP tại trang trại của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh Phát.
Nuôi heo VietGAP tại trang trại của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh Phát.

Chỉ tính riêng niên vụ 2016-2017, toàn tỉnh xuất khẩu 201.126 tấn cà phê, tăng 4.771 tấn (tăng 2,4%) so với niên vụ 2015 - 2016, chiếm tỷ trọng 13,5% so với cả nước, kim ngạch đạt hơn 445 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu cà phê hòa tan đạt trên 28,8 triệu USD, chiếm tỷ lệ 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh. Đặc biệt, giá thu mua cà phê nhân xô bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 44.483 đồng/kg, tăng 26,3% so với niên vụ trước nên nông dân được hưởng lợi nhiều hơn. Hiện tại, sản phẩm cà phê của Việt Nam đã và đang được tiêu thụ tại 60 thị trường thế giới, trong đó tập trung tại các thị trường cao cấp như Đức, Italia, Mỹ, Nhật Bản…

Với sự nỗ lực của chính quyền và sự quyết tâm tạo dựng sản phẩm nông nghiệp sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế, tin chắc rằng Đắk Lắk sẽ xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất xanh, bền vững xứng đáng là trung tâm vùng Tây Nguyên.

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.