Multimedia Đọc Báo in

Để cán đích nông thôn mới: Cư Êbur chọn nông nghiệp làm điểm bứt phá

08:19, 12/04/2018

Là một xã vùng ven của TP. Buôn Ma Thuột nhưng kinh tế Cư Êbur vẫn còn  nặng về  nông nghiệp nên đời sống dân cư ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM), xã đã biến “khuyết điểm” này thành “ưu điểm” để tạo sức bật cán đích NTM đúng hẹn.

Cư Êbur là một xã thuần nông, người dân chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt; do phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thị trường nên đời sống của nhiều hộ dân trong xã gặp nhiều khó khăn. Khi mới bắt tay xây dựng NTM (năm 2011), mức thu nhập bình quân toàn xã chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo là 257 hộ, chiếm 7,12%; lao động chủ yếu chưa qua đào tạo, tập quán canh tác còn lạc hậu, việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng địa phương rất khó khăn...

Để cán đích NTM theo kế hoạch đề ra, ngay từ đầu xã xác định sản xuất nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương nên đã tập trung giữ ổn định hơn 1.600/1.800 ha cà phê kinh doanh; đồng thời liên kết với doanh nghiệp thành lập được 8 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững để nâng cao năng suất, giá trị cho loại cây trồng chủ lực của xã. Song song với đó, xã chỉ đạo các thôn, buôn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác. Đến nay, toàn xã có trên 200 ha cà phê già cỗi đã được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như ở thôn 2, bà con đã chuyển đổi từ diện tích cà phê năng suất kém sang trồng cây thanh long và chăn nuôi. Hiện có 200 hộ trong thôn trồng thanh long, với diện tích 65 ha và cũng nhờ loại cây này mà nhiều hộ đã khá lên. Tiêu biểu như hộ ông Mai Sỹ Ánh, sau khi tìm hiểu, học hỏi một số nơi, ông đã chuyển 1 ha cà phê già cỗi sang trồng cây thanh long. Sau một thời gian trồng thử, cây thanh long phát triển rất tốt, năng suất đạt 2,5 tấn/ha, mang lại nguồn thu nhập bình quân 240 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng cây thanh long đạt hiệu quả kinh tế cao của hộ ông Mai Sỹ Ánh ( thôn 2, xã Cư Êbur).
Mô hình trồng cây thanh long đạt hiệu quả kinh tế cao của hộ ông Mai Sỹ Ánh ( thôn 2, xã Cư Êbur).

Ngoài phát triển trồng trọt, chăn nuôi cũng là một thế mạnh của xã, với nghề truyền thống của vùng là nuôi nai lấy nhung. Để khai thác tốt tiềm năng này, tháng 8-2017, HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ nai Cư Êbur đã được thành lập, với tổng số vốn 1 tỷ đồng, hiện đã liên kết được nhiều thành viên sản xuất, hướng tới phát triển Thương hiệu nhung nai Cư Êbur. Từ việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2017 tăng lên 33,25 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,64%, không còn hộ ở trong nhà tạm, dột nát.

Không chỉ chú trọng phát triển về kinh tế, việc giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường do sản xuất gây ra cũng được xã đặc biệt quan tâm. Hiện trên địa bàn xã có 1.787 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 54 trang trại, còn lại là chăn nuôi quy mô nông hộ. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trang trại chăn nuôi từng là vấn đề nhức nhối ở đây. Để giải quyết tình trạng trên và bảo đảm hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM, chi bộ và ban phát triển các thôn, buôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Cụ thể, với những hộ có quy mô chăn nuôi nhỏ cần xử lý rác thải đảm bảo đạt chỉ tiêu môi trường, xây hầm biogas; với các trang trại chăn nuôi lớn thì di dời ra khỏi khu dân cư. Ngoài ra, xã còn vận động người dân thường xuyên tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm gắn với phong trào “5 không, 3 sạch”, tự giác xử lý rác thải đúng nơi quy định. Nhờ đó, đến nay số hộ có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn xã đạt 78,9%; số trang trại có hồ sơ trong lĩnh vực môi trường là 6/54, còn 48 trang trại được UBND xã ký cam kết về bảo vệ môi trường.

Người dân xã Cư Êbur phấn khởi trên con đường nhựa thông thoáng, sạch đẹp.
Người dân xã Cư Êbur phấn khởi trên con đường nhựa thông thoáng, sạch đẹp.

Nhờ kinh tế phát triển, các phong trào xây dựng NTM cũng lớn mạnh lên như “Toàn dân chung tay xây dựng NTM”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Thắp sáng đường quê”... Bằng các hoạt động này, trong 7 năm qua, xã Cư Êbur huy động được hơn 30 tỷ đồng từ nhân dân (chiếm 34,35% tổng vốn huy động) để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Ông Dương Hùng Vương (thôn 2) là một trong những hộ dân tiêu biểu khi tự nguyện hiến 800 m2 đất làm đường giao thông nông thôn chia sẻ: “Trước đây, ngày ngày tôi chứng kiến mọi người đi lại khó khăn trên con đường rộng hơn 1 m, nên khi có chủ trương làm đường, vợ chồng tôi sẵn sàng hiến đất để giúp người đi lại thuận lợi hơn”. 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trên địa bàn xã, sau 7 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay xã đã đạt 19/19 tiêu chí. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, tỷ lệ cứng hóa các trục đường giao thông đạt từ 72,5 - 100%, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới đạt tỷ lệ 84,4%; 100% hộ sử dụng điện an toàn; số người có việc làm trong độ tuổi lao động đạt tỷ lệ 92,26%; 4/5 trường học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng được Nhà văn hóa đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của xã...

Minh Thuận - Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.